Kiến nghị tăng thu ngân sách 4.536 tỷ đồng (HNM) - 4.536 tỷ đồng là số tiền mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) sau khi thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2009. Báo cáo do KTNN công bố ngày 29-7 cho thấy, tình trạng thất thu ngân sách diễn ra khá phổ biến.
Bên cạnh những "lỗ hổng" trong lĩnh vực quản lý NSNN, kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho thấy, hiệu quả kinh doanh mà các đơn vị đạt được chưa tương xứng với những lợi thế và đầu tư của Nhà nước. Một lần nữa, bài toán quản lý hiệu quả nguồn vốn NSNN lại được dư luận đặt ra khi số tiền thất thu NSNN tăng cao.
Số thu tăng cao, vẫn thất thu
Kiểm toán viên hoạt động nghiệp vụ tại một doanh nghiệp. Ảnh: Hậu Phạm
Theo kết quả kiểm toán, việc chấp hành NSNN năm 2009, hầu hết các khoản thu ngân sách đều vượt dự toán, với tổng thu đạt 430.549 tỷ đồng (tăng 33%, tương đương 107.549 tỷ đồng so với dự toán). Trong đó, thu từ DNNN đạt 71.835 tỷ đồng, tăng 13,7%; thu từ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài: 43.953 tỷ đồng, tăng 9,6%; thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh: 43.527 tỷ đồng, tăng 13,5%... Song, theo đánh giá của KTNN, mặc dù khoản thu từ lĩnh vực ngoài quốc doanh vượt dự toán, nhưng số thất thu ngân sách từ lĩnh vực này khá lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị xác định sai thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT); tính thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)... Kiểm toán hồ sơ thuế của 615 DN ngoài quốc doanh tại cơ quan thuế ở 37 tỉnh được kiểm toán, KTNN xác định các khoản phải nộp tăng thêm 1.473 tỷ đồng. Tại các đơn vị sự nghiệp, tình trạng thất thu cũng khá phổ biến và có chiều hướng tăng cao. Sau kiểm toán tại 309 đơn vị thuộc 21 bộ, ngành và 221 đơn vị thuộc 37 địa phương, KTNN xác định thuế và các khoản phải nộp khác tăng thêm 169,66 tỷ đồng…
Kết quả kiểm toán việc chấp hành ngân sách cho thấy, công tác quản lý thu tuy có chuyển biến, song vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Đối với nguồn thu nội địa, một số đối tượng nộp thuế chưa tuân thủ pháp luật, trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Điều này đã khiến nhiều sai phạm của doanh nghiệp bị bỏ sót, gây thất thu NSNN. Trong lĩnh vực thu thuế xuất nhập khẩu, KTNN đã phát hiện một số cục hải quan áp mã số hàng nhập khẩu thiếu thống nhất; áp dụng biểu thuế suất chưa đúng. Công tác hoàn thuế, xóa nợ và miễn giảm thuế vẫn còn nhiều sai phạm. Trong năm 2008, có 10/37 địa phương đã miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất sai đối tượng, thẩm quyền 66,32 tỷ đồng. Báo cáo của KTNN cũng cho thấy, tính đến ngày 31-12-2008, số nợ do ngành thuế quản lý lên tới 23.877 tỷ đồng, tăng 88% so với năm 2007; số nợ thuế do ngành hải quan quản lý là 4,257 tỷ đồng. KTNN cũng phát hiện nhiều khoản tạm thu, tạm giữ của các cơ quan: Tài chính, thuế, hải quan, thanh tra, quản lý thị trường tính đến cuối năm 2008 là 12.656 tỷ đồng nhưng chưa kịp thời nộp NSNN…
Kết quả kiểm toán tại 183/242 DN hạch toán độc lập thuộc 20 tổng công ty nhà nước cho thấy, 88% DN kinh doanh có lãi. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu đạt 11,14%; trên vốn chủ sở hữu: 32,14%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân là 23,87%... Song, một số tổng công ty vẫn chưa phát huy tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Nhiều đơn vị hoạt động kém hiệu quả, không bảo toàn được nguồn vốn và chưa xứng đáng với những lợi thế được Nhà nước ưu ái. Kiểm toán báo cáo tài chính tại nhiều tổng công ty cho thấy, tổng tài sản các đơn vị này tăng thêm 190 tỷ đồng; giảm tổng doanh thu 6.215 tỷ đồng; giảm tổng chi phí 7.021 tỷ đồng; tăng lợi nhuận trước thuế 805,6 tỷ đồng; tăng thuế và các khoản phải nộp ngân sách 536,5 tỷ đồng. Tổng số nợ phải thu của 20 tổng công ty tính đến cuối năm 2008 lên tới 26.586 tỷ đồng.
Lời giải nào cho bài toán khó?
Với những kết quả kiểm toán đã thực hiện, KTNN đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng thu 4.536 tỷ đồng; giảm chi 3.404,8 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu: 637 tỷ đồng. KTNN cũng kiến nghị các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN: 5.722 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 468 tỷ đồng. Những số liệu do KTNN công bố cho thấy, tình trạng thất thu NSNN vẫn diễn ra phổ biến với số tiền ngân sách bị "chảy máu" mỗi năm vẫn lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Làm gì để khắc phục tình trạng này? Đây là bài toán khó giải không chỉ với ngành kiểm toán.
Tại buổi họp báo ngày 29-7, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến năng lực quản lý NSNN và mong muốn Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, KTNN với chức năng của mình sớm đề xuất hướng khắc phục. Nhiều cơ quan báo chí cũng đặt câu hỏi liên quan đến tình trạng thua lỗ của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua. Về vấn đề này, ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, việc quản lý tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty luôn là vấn đề "nóng" tại diễn đàn Quốc hội. Vì vậy, kiểm toán báo cáo tài chính của các DNNN luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN hàng năm. Tuy nhiên, theo Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái, lực lượng cán bộ kiểm toán hiện nay vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hậu kiểm lĩnh vực thu, chi NSNN. Vì vậy, KTNN chỉ có thể thực hiện khối lượng công việc tương đương với số cán bộ hiện nay. Đây cũng là một trong những khó khăn mà KTNN sẽ cố gắng khắc phục nhằm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Sau mỗi đợt công bố kết quả kiểm toán lĩnh vực thu-chi NSNN, vấn đề quản lý chặt chẽ tiền, tài sản của Nhà nước và xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm lại được đặt ra. Hy vọng những biện pháp xử lý nghiêm minh từ phía các cơ quan chức năng sẽ quản lý chặt chẽ hơn nguồn thu ngân sách và hạn chế tình trạng "chảy máu" ngân sách đang diễn ra hiện nay.
62% kiến nghị của KTNN đã được thực hiện Tính đến ngày 31-12-2009, 62% kiến nghị của KTNN về xử lý tài chính tại các đơn vị đã được thực hiện. Trong đó, tăng thu NSNN 1.865 tỷ đồng; tăng thu khác 248 tỷ đồng; giảm chi kinh phí thường xuyên 1.218 tỷ đồng; giảm chi đầu tư xây dựng: 350 tỷ đồng. Các đơn vị đã xử lý nợ đọng, vay tạm ứng 5.454 tỷ đồng và hoàn trả các khoản phải nộp và quản lý qua NSNN 1.684 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.