(HNM) - Minh bạch tài sản, thu nhập là một yêu cầu bắt buộc đối với người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ĐB HĐND các cấp nhằm xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát sự biến động về tài sản, thu nhập của người kê khai.
17h ngày mai, 18-3 là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ của những người ứng cử và tự ứng cử (65 ngày trước ngày bầu cử). Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đã trao đổi với phóng viên Hànộimới về những nội dung cơ bản trong kê khai tài sản đối với người ứng cử.
- Thưa ông, quy định đối với việc kê khai tài sản của người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND lần này có gì mới và cơ quan chức năng kiểm soát việc này như thế nào?
- Việc kê khai tài sản vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các ứng cử viên phải kê khai trung thực tài sản của bản thân, vợ hoặc chồng và của con chưa thành niên. Việc kê khai cũng được đưa ra cụ thể từng mục như: nhà ở, quyền sử dụng đất, tài sản, tài khoản ở nước ngoài, ô tô, mô tô, tàu, thuyền… có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Pháp luật quy định không công khai bảng kê khai tài sản mà chỉ công khai kết luận về tài sản của người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND có trung thực hay không. Cơ quan quản lý người ứng cử có trách nhiệm xác nhận, xem xét, xác minh bản kê khai của người ứng cử và xác minh tài sản đó nếu phát hiện nghi vấn hoặc có thông tin tố cáo, phản ánh về tính trung thực của việc kê khai.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về việc xác minh tài sản, thu nhập của người ứng cử và hình thức xử lý nếu có vi phạm?
- Hội đồng Bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban Bầu cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh bản kê khai khi người ứng cử có dấu hiệu tham nhũng và kê khai không trung thực, hoặc bị tố cáo có căn cứ về hành vi tham nhũng. Trường hợp người phải xác minh tài sản, thu nhập thuộc diện trung ương quản lý thì Hội đồng Bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi yêu cầu đến Ủy ban Kiểm tra TƯ để đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra yêu cầu xác minh. Tương tự, người bị xác minh tài sản, thu nhập thuộc cấp nào quản lý cũng sẽ do cấp đó ra yêu cầu xác minh. Các trường hợp bị xác minh mà người đó không thuộc diện cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, lực lượng vũ trang quản lý thì sẽ do Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh, thành phố tiến hành xác minh. Người ra quyết định xác minh tài sản sẽ là người quyết định kết luận sự minh bạch của bản tự kê khai, đồng thời là người quyết định công khai sự minh bạch của bản kê khai đó tại hội nghị cử tri nếu hội nghị yêu cầu. Nếu bị kết luận là kê khai không trung thực, người ứng cử có thể bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử.
- Ông đánh giá thế nào về tính trung thực trong kê khai tài sản của người ứng cử khi không công bố rộng rãi kê khai và để bảo đảm yêu cầu đặt ra về kê khai tài sản thì cần có biện pháp nào?
- Như tôi nói ban đầu, luật quy định không công khai tài sản của người ứng cử, mà chỉ công khai kết luận bản kê khai đó. Do đó, việc kê khai tài sản phụ thuộc tính tự giác của người ứng cử. Còn về biện pháp kiểm soát thì có rất nhiều, được ghi rõ trong luật. Hơn nữa, có rất nhiều cách xử lý đối với sai phạm trong việc kê khai tài sản. Ngoài ra, việc kê khai dù sao vẫn chịu sự xem xét của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người ứng cử. Theo tôi biết, tại kỳ bầu cử khóa trước đã phát hiện ra một số trường hợp và cũng đã xử lý bằng nhiều cách. Một số trường hợp đưa ra khỏi danh sách bầu cử, ứng cử, bị kỷ luật, thậm chí có người đã bị cách chức. Tôi cho rằng, để việc kê khai tài sản bảo đảm yêu cầu đề ra, có hai yếu tố quan trọng cần quan tâm, đó là sự trung thực của người kê khai và sự kiểm soát của cơ quan quản lý người đó.
- Xin cám ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.