Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề cốt lõi: Tâm thức dân tộc

Hiền Dung| 09/08/2010 06:31

(HNM) - Ngành VH,TT&DL đang tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên phạm vi toàn quốc, trong đó có âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS).

Những kinh nghiệm từ cuộc hội thảo quốc tế chuyên đề "Âm nhạc và các dân tộc thiểu số" lần thứ VI do Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 7 vừa qua với sự tham gia của gần 80 nhà nghiên cứu âm nhạc đến từ 30 quốc gia đã giúp Việt Nam có cái nhìn toàn diện hơn về việc bảo tồn và phát huy di sản này.

Múa hát mừng vui trong lễ hội Hết Chả của người Thái Đen ở Mộc Châu (Sơn La).

Môi trường âm nhạc đang thay đổi

Theo GS Trần Quang Hải (Pháp), âm nhạc nói chung, âm nhạc của các DTTS nói riêng có sức mạnh vượt qua mọi bất đồng ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, sắc tộc, màu da và tôn giáo. Nó như một dòng chảy âm ỉ, chảy từ tâm hồn đến tâm hồn, chảy từ lòng người đến lòng người, giúp mọi người gần nhau hơn, yêu quý nhau hơn.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc nên có nền âm nhạc dân gian khá phong phú. Âm nhạc DTTS ở nước ta được sinh ra, duy trì và phát triển từ chính cuộc sống lao động và sinh hoạt hằng ngày. Đó là những bài hát ru mượt mà, êm ái của vùng Đồng bằng Bắc bộ; lối hát kể của người Dao đỏ; hát chăn trâu, chăn vịt của trẻ em dân tộc Giáy, hay hát giao duyên của dân tộc Sán Chay, Sán Dìu, Nùng… Đó còn là những điệu múa xuất hiện trong các nghi lễ như: Lễ cấp sắc (Dao quần chẹt); Lễ phá ngục, Lễ thỉnh phật trong đám tang (Sán Dìu); Lễ khao tổ (Nùng cháo); Lễ hội lồng tồng (Nùng Inh)…

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Anh Thái và Phạm Minh Hương (Viện Âm nhạc) cho rằng, việc duy trì và truyền bá những loại hình âm nhạc DTTS còn được thể hiện trên sân khấu. Đây là lối thể hiện "mới", có thể thấy qua những làn điệu dân ca, những nhạc cụ mà người dân tộc mang đến phiên chợ tình, như phiên chợ tình Sa Pa chẳng hạn. Bằng cách này, âm nhạc dân gian của các dân tộc có cơ hội để đông đảo công chúng biết đến, nhưng cũng dễ khiến nét đặc trưng của các DTTS ở Việt Nam bị loãng, bị pha trộn với âm nhạc của dân tộc khác.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Svanibor Pettan người Slovenia cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo: "Môi trường âm nhạc Việt Nam đang thay đổi. Âm nhạc dân tộc ít người cũng đang tự định hướng chuyển đổi sang môi trường diễn xướng mới. Đó là quá trình chuyển đổi không thể ngăn cản được".

Bảo tồn bằng tình yêu âm nhạc

Nhìn nhận sự thay đổi môi trường âm nhạc như một quy luật tất yếu, song GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: "Ký ức lịch sử mới là yếu tố cốt lõi trong tâm thức con người Việt Nam. Vì thế, việc giữ gìn, khôi phục môi trường âm nhạc DTTS ở nước ta phải luôn gắn với tâm thức của dân tộc". Ý kiến này được đa số đại biểu đánh giá cao.

Để làm được điều này, GS Trần Quang Hải cho rằng, phải truyền dạy âm nhạc DTTS cho giới trẻ, bởi lâu nay âm nhạc DTTS ít được quan tâm giảng dạy trong trường học. Việc làm này phải được thực hiện tuần tự qua từng giai đoạn. Ở lứa tuổi mẫu giáo, các em sẽ học âm nhạc qua những bài đồng dao, dân ca dễ hát, dễ thuộc, dễ nhớ. Lên bậc tiểu học, trung học thì học âm nhạc theo đặc trưng các vùng miền, chẳng hạn miền Bắc là hát trống quân, hát quan họ, hát xoan; miền Trung là điệu lý, điệu hò; miền Nam thì hát đối đáp, dân ca…

Đến từ Xingapo, đất nước có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, nhà nghiên cứu âm nhạc Larry Francis Hillarian chia sẻ: Âm nhạc cổ truyền đã từng bị lãng quên ở quốc đảo Sư tử nhưng hiện tại âm nhạc Hồi giáo Malay trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Đó là thành quả của việc đưa âm nhạc thiểu số trở thành môn học chính khóa của học sinh phổ thông với thời lượng 40-45 phút/tuần.

Không phản đối việc đưa âm nhạc DTTS vào giảng dạy trong trường học, nhưng nhà nghiên cứu âm nhạc đến từ Phần Lan Kai Aberg lại đề cao vai trò của gia đình và coi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để truyền tải âm nhạc đến thế hệ trẻ. Ông Kai Aberg đưa ra ví dụ về người Gipsy di cư từ Thụy Điển sang Phần Lan và hình thành nên dân tộc Kaale (Roma). Với số dân chỉ khoảng 10.000 người, song nhờ biết truyền dạy âm nhạc dân tộc ngay từ trong gia đình nên đa số người Gipsy biết hát, múa. Họ thành lập các ban nhạc và biểu diễn ở khắp nơi để khẳng định bản sắc dân tộc. Cho đến nay, nhiều tổ chức, viện âm nhạc ở Phần Lan đã đưa âm nhạc Gipsy vào giảng dạy với số người đăng ký học ngày càng đông.

Bài học kinh nghiệm của bè bạn quốc tế và thực tế đời sống âm nhạc trong cộng đồng các DTTS ở nước ta hiện nay cho thấy, việc đưa âm nhạc truyền thống vào giảng dạy trong các cấp học sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề cốt lõi: Tâm thức dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.