(HNM) - Mấy ngày gần đây phát sinh một sự việc đã và đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Do tâm điểm của nó xảy ra trên địa bàn Hà Nội và đúng trong dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, thế nên sự việc này càng gợi lên nhiều vấn đề đáng quan tâm, suy ngẫm.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương có nêu việc ông nhận được nhiều đơn thư của người dân ở Khu đô thị Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm) tố cáo việc phải "bôi trơn" 8 triệu đồng/hộ để được cấp "sổ đỏ". Lập tức câu chuyện không chỉ làm nóng nghị trường mà còn làm dư luận "dậy sóng". Chỉ một ngày sau, phát biểu chỉ đạo kỳ họp thứ mười tám Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố khẩn trương vào cuộc, xác minh, làm rõ thông tin đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu; nếu phát hiện sai phạm phải xử lý thật nghiêm, đồng thời phải công khai trước công luận để mọi người dân được biết... Tiếp đó, ngày 2-10, Bí thư Thành ủy chủ trì cuộc làm việc với đại diện các cơ quan chức năng của thành phố nhằm chỉ đạo việc xử lý thông tin đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phản ánh. Bí thư Thành ủy yêu cầu: Nhiệm vụ trước tiên là phải làm rõ có hay không hiện tượng "bôi trơn" trong việc cấp "sổ đỏ" cho các hộ dân ở Khu đô thị Mễ Trì Thượng; đồng thời, nhân việc này, UBND thành phố rà soát, chấn chỉnh công tác cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà, đất; tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, không để có kẽ hở cho tiêu cực... Tất cả kết quả những việc làm trên cũng phải công khai trước công luận để người dân được biết. Thời hạn hoàn thành việc làm rõ thông tin đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu là trước ngày 10-11-2014. Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể. Nếu tìm ra "đường dây" chạy "sổ đỏ" có thể truy tố trước pháp luật.
Quả thực là dư luận, báo chí và người dân lâu nay đã có không ít "điều ra, tiếng vào" về lĩnh vực cấp GCN quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Nguyên nhân là bởi công tác cấp "sổ đỏ" vốn phức tạp và nhạy cảm. Phức tạp vì bản thân mối quan hệ dân sự giữa các chủ thể lợi ích liên quan đến nhà - đất, qua nhiều thời kỳ, nhiều biến động lịch sử đã có không ít những tồn tại, vướng mắc không dễ tháo gỡ, dẫn đến giấy tờ, thủ tục pháp lý không đầy đủ. Phức tạp còn do mối quan hệ hành chính, cụ thể ở đây là chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và sở hữu nhà ở nói chung cũng như về lĩnh vực cấp GCN nói riêng, qua nhiều thời kỳ lịch sử cũng có nhiều thay đổi và tồn tại không ít bất cập, đặc biệt là mặc dù rất nhiều thủ tục nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, chồng chéo và rườm rà, vì thế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống... Tất cả những rào cản này đã khiến cho tiến độ cấp GCN bị chậm so với yêu cầu Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội đề ra. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tính đến hết năm 2013, vẫn còn 29 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành cấp GCN đối với lĩnh vực đất chuyên dùng; 15 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành cấp GCN đất ở đô thị; 11 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành cấp GCN đối với đất sản xuất nông nghiệp và 12 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành cấp GCN đất ở nông thôn và đất lâm nghiệp. Riêng đối với Hà Nội, tính đến thời điểm này mới cấp "sổ đỏ" được hơn 80% số lượng. Đặc biệt là việc cấp "sổ đỏ" cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở còn rất chậm, đạt kết quả rất thấp. Năm 2013, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra 19 dự án trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy: Trong tổng số 9.151 căn hộ theo thiết kế và được phê duyệt, chủ đầu tư đã bán và bàn giao cho người mua nhà 8.660 căn (chiếm 99,6%), nhưng mới nộp hồ sơ, làm thủ tục cấp GCN cho 2.850 căn (chiếm 32,9% số căn hộ đã bán) và mới cấp GCN cho 2.052 căn (chiếm 23,7%)... Tuy nhiên, con số 19 dự án trên chỉ là "muối bỏ bể" so với danh sách chủ đầu tư 74 dự án nhà ở chây ì, thiếu trách nhiệm trong việc cấp "sổ đỏ" cho khách hàng mà Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội công bố gần đây. Cũng phải nói thêm rằng, một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ cấp sổ đỏ là do không ít chủ đầu tư đã xây dựng sai thiết kế được phê duyệt, vượt quá chiều cao, diện tích cho phép - không ngoài mục đích tăng thêm lợi nhuận cho bản thân mình!
Những rào cản trong hệ thống chính sách pháp luật và những vướng mắc, bất cập trong quá trình quản lý, sử dụng nhà - đất không chỉ làm chậm trễ tiến độ cấp "sổ đỏ", mà còn khiến cho phần lớn người dân (có nhu cầu được cấp GCN) nhận thấy quy trình cấp "sổ đỏ" quá phức tạp, mù mờ và trở nên "khó với". Và chính từ đây đã tạo ra "kẽ hở" phát sinh nạn quan liêu, cửa quyền, đặc biệt là sai phạm, tiêu cực - nói thẳng ra là tệ "tham nhũng vặt" - ở một bộ phận cán bộ, công chức liên quan đến công việc này. Không khó để đưa ra vài ví dụ mà dư luận và báo chí đã phản ánh, như vụ việc không có đất vẫn cấp "sổ đỏ" (thậm chí cấp cho cả... người đã chết!) ở thị xã Sơn Tây; vụ vợ liệt sĩ ở huyện Mỹ Đức 10 năm nay "gõ cửa" các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được cấp "sổ đỏ"; hay vụ cấp 12 sổ đỏ trái pháp luật ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam)... Nêu vài ví dụ để thấy rằng, vướng mắc, tiêu cực trong cấp "sổ đỏ" không phải là chuyện mới mà tồn tại đã lâu, đồng thời là vấn nạn gây bức xúc tại nhiều địa phương chứ không chỉ ở Hà Nội.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 70-80% khiếu nại tố cáo liên quan đến nhà đất, tỷ lệ đơn thư vượt cấp vào khoảng 80%. Những số liệu trên đã cho thấy những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nhà đất, bao gồm cả lĩnh vực cấp "sỏ đỏ", đã trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội. Tuy nhiên, cần có cái nhìn đa chiều trong lĩnh vực này, bởi không phải khiếu kiện nào cũng đúng. Thực tế đã cho thấy có không ít vướng mắc gây khiếu kiện xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người dân. Đặc biệt là nhiều trường hợp, trong khi hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ nhưng do tâm lý nôn nóng muốn được cấp "sổ đỏ" nên tìm mọi cách để "chạy", vô hình trung đã tạo điều kiện "tham nhũng vặt" cho một số cán bộ thoái hóa, biến chất. Khi xảy ra vướng mắc, không đạt mục đích thì họ gửi đơn thư khiếu kiện, thậm chí vượt cấp, kéo dài. Đáng nói là một số người có vị trí trong xã hội khi nghe được những thông tin như vậy nhưng lại thiếu sự thẩm định khách quan nên đã có những phát ngôn thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho hoang báo, ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận cũng như đời sống xã hội. Ngoài ra, còn có tình trạng nhiều người dân cũng vì thiếu hồ sơ pháp lý nên đã chọn phương thức giao dịch ngầm khi mua bán, cầm cố nhà cửa bằng giấy viết tay, vì thế gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trong khi Nhà nước bị thất thu thuế trước bạ...
Quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước còn rất nhiều công việc ngổn ngang, bộn bề; nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn khủng hoảng kinh tế thế giới thì khó khăn, thử thách còn rất lớn. Dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô là mốc son đáng nhớ đánh dấu một chặng đường lịch sử đấu tranh gìn giữ, xây dựng và phát triển Thủ đô, cũng là dịp chúng ta cùng nhìn lại, đánh giá, đúc rút những bài học kinh nghiệm để tiếp tục kiến tạo "trái tim của cả nước" theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, xứng danh Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình. Những việc đã làm tốt thì phải tiếp tục làm tốt hơn; những việc chưa tốt thì phải khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục để làm cho tốt. Đó là lý do mà tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh: Không thể chủ quan khẳng định không có tiêu cực, vì vậy khi đã có người khơi ra vụ việc thì phải làm cho rõ. Làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố ngày 2-10, Bí thư Thành ủy cũng khẳng định: Đây là thông tin được nêu ra bởi người có trách nhiệm và tại một diễn đàn quan trọng nên thành phố hết sức coi trọng, quan tâm. Có thể thấy tinh thần sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo thành phố không chỉ đối với vụ việc "bôi trơn" cấp "sổ đỏ" ở Khu đô thị Mễ Trì Thượng, mà còn thể hiện rõ quyết tâm xóa bỏ tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tiến tới chấn chỉnh công tác cấp GCN quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém". Để chấn chỉnh, làm lành mạnh hóa công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thể chế và cải cách thủ tục thì một yếu tố quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng cũng như tiến độ cấp GCN là phải quyết liệt rà soát, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ thực thi công việc này. Phải loại bỏ ngay những "con sâu" cũng như chấm dứt nạn "tham nhũng vặt"- những nguyên nhân làm chậm tốc độ phát triển, gây thất thoát tiền bạc của Nhà nước và của nhân dân, nghiêm trọng hơn là làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Chấn chỉnh đội ngũ cán bộ để làm trong sạch bộ máy, để Nhà nước thực sự "là công bộc của nhân dân", "gánh vác việc chung cho dân chứ không phải đè đầu dân...".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.