(HNM) - Đã thành lệ, mỗi khi năm hết Tết đến, đông đảo người dân sinh sống, học tập và làm việc ở Hà Nội lại về quê sum họp bên gia đình. Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các cơ quan chức năng đã có kế hoạch phục vụ khá chu đáo nên người dân không gặp quá nhiều khó khăn khi mua vé về quê.
Các tuyến đường dẫn ra bến xe, nhà ga dù có những lúc cao điểm bị ùn tắc nhưng đều được giải tỏa kịp thời. Tuy nhiên, nếu hành khách đi đường hàng không, đường sắt khá thuận lợi thì trên đường bộ, tình trạng hành khách nhồi nhét, thu vé quá giá quy định sau khi rời bến còn diễn ra khá phổ biến, gây nhiều bức xúc.
Bến xe Mỹ Đình luôn nườm nượp khách trong dịp giáp Tết Nguyên đán. Ảnh: Phạm Hùng |
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn -Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, lượng khách qua bến trong những hai ngày cao điểm là 14, 15-2 (tức ngày 26, 27 Tết) vào khoảng 35.000 lượt khách/ngày. Riêng ngày 16-2 (tức 28 Tết), lượng khách là khoảng 40.000 lượt khách/ngày. Tuy nhiên, do đã có kế hoạch chu đáo nên bảo đảm đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách cũng được đặc biệt chú trọng. Tại Bến xe phía Nam và Bến xe Gia Lâm, Công ty CP Bến xe Hà Nội cũng đã bố trí lượng xe tăng gấp 1,3 lần so với ngày thường, ngoài ra còn bố trí xe dự phòng để sẵn sàng giải tỏa khách khi cần thiết. Nếu như ở trong bến tình hình được kiểm soát và các nhà xe tuân thủ nghiêm túc thì ngay khi rời bến nhiều nhà xe đã "giở trò" với hành khách. Thống kê nhanh của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, chỉ riêng trong ngày 15-2, đã tiếp nhận trên 400 cuộc điện thoại của hành khách gọi tới đường dây nóng phản ánh tình trạng nhà xe nhồi nhét khách và tăng giá vé quá quy định. Có nhà xe tăng giá vé gấp đôi bình thường, và xảy ra nhiều trên tuyến từ Hà Nội đi Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An… Trong ngày 16-2, đường dây nóng của Ủy ban cũng nhận được khoảng 250 phản ánh của người dân về tình trạng các hãng xe tăng giá vé quá quy định trong dịp Tết, xe khách chở quá số người quy định (nhiều nhất là các tuyến TP Hồ Chí Minh - Bình Định, Điện Biên - Nghệ An, Hà Nội - Thanh Hóa và các tuyến từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây).
Trái ngược với hành khách đi đường bộ, khách đi hàng không, đường sắt dễ chịu hơn. Nếu như những năm trước, người dân rất vất vả mới mua được vé tàu Tết, năm nay, với việc đưa vào vận hành hệ thống bán vé tàu điện tử, hành khách đã mua vé thuận lợi hơn rất nhiều. Với hình thức bán vé này, Đường sắt Việt Nam đã loại bỏ đáng kể tình trạng tiêu cực, đầu cơ vé, đưa vé đến trực tiếp cho những người thực sự có nhu cầu. Ngoài hình thức bán vé hiện đại trên, Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì các phương thức bán vé truyền thống giúp người dân có nhiều sự lựa chọn. Anh Nguyễn Thành Trung (ngõ 670 Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai) cho biết, do quá bận rộn nên sát ngày nghỉ Tết, anh mới ra Ga Hà Nội mua vé tàu cho cả gia đình về Vinh (Nghệ An) vào chiều ngày 18-2 (tức ngày 30 Tết). Đã xác định khả năng không mua được vé cao và dự phòng phương án đi taxi nhưng niềm vui bất ngờ đã đến khi anh dễ dàng mua được cả vé khứ hồi. Anh cho biết, nhiều người khác cũng xếp hàng mua vé trong trật tự và được nhân viên nhà ga phục vụ chu đáo.
Trong dịp cao điểm Tết, ngoài các chuyến bay thông lệ, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ khai thác tăng thêm khoảng 1.200 chuyến bay trên các đường bay có nhu cầu lớn về tải. Theo đó, tổng số chuyến khai thác trong giai đoạn cao điểm Tết đạt gần 18.900 chuyến, tăng 12% so với thường lệ. Riêng đường bay giữa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 260 chuyến bằng A321, A330 và B777. Đường bay giữa Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 340 chuyến bằng A321… Đáng chú ý, với việc linh hoạt mở bán vé Tết trước 5 tháng, Vietnam Airlines đã giúp hành khách chủ động lựa chọn hành trình và giảm chi phí cho việc đi lại đáng kể. Với sự chủ động và đặc thù phục vụ của ngành hàng không, hành khách nói chung dễ chịu hơn dù phải đến sân bay sớm hơn bình thường để làm thủ tục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.