Văn nghệ

“Văn Cao mùa chữ, mùa người” tôn vinh những đóng góp cho thơ ca

An Nhi 14/11/2023 - 13:37

Khác với những sự kiện được tổ chức dịp này nhân 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 – 15/11/2023), hội thảo “Văn Cao mùa chữ, mùa người” và ra mắt cuốn sách cùng tên diễn ra sáng 14-11, tại Hà Nội, tập trung tôn vinh những đóng góp của người nghệ sĩ tài danh Văn Cao ở mảng thơ ca.

img_5888.jpg
Hội thảo và ra mắt sách "Văn Cao mùa chữ, mùa người" quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ uy tín.

Cuốn sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người” do Ban Văn học nghệ thuật – VOV6 (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức biên soạn, Nhà Xuất bản Hội nhà văn ấn hành, gồm 21 bài tiểu luận, nghiên cứu của 21 tác giả về hành trình thơ của Văn Cao trong sự vận động của thi ca hiện đại.

Trong cuốn sách, nhiều bài viết phân tích, nghiên cứu tìm tòi, đi vào thế giới nghệ thuật thơ của Văn Cao từ những góc nhìn khác nhau. Có tác giả khái quát tài năng của Văn Cao như bài “Thiên tài Văn Cao và “Ba con ngựa ô”: Thi ca, âm nhạc và hội họa” (Nguyễn Việt Chiến), “Người tiên tri của cách mạng” (Phạm Xuân Thạch). Có tác giả khác đi sâu vào quá trình sáng tác thơ của Văn Cao, như “Văn Cao, một tiếng thơ vang vang cả lòng cả đáy” (Nguyễn Hoài Nam), “Văn Cao, một đường thơ” (Phùng Gia Thế), “Văn Cao thơ – hôm qua và hôm nay” (Bùi Việt Thắng)...

img_5908.jpg
Cuốn sách "Văn Cao mùa chữ, mùa người".

Có tác giả lại đi vào từng giai đoạn sáng tác hoặc từng bài thơ của Văn Cao, như bài viết “Hệ thống tín hiệu thẩm mỹ trong ba bài thơ của Văn Cao về Quy Nhơn” (Trần Xuân Toàn), “Thơ “chấn thương” của Văn Cao” (Văn Giá), “Về hai bài thơ của Văn Cao” (Lê Huy Quang)...

Bên cạnh những bài tiểu luận, nghiên cứu, cuốn sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người” còn có phụ bản thơ về Văn Cao của các tác giả Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Hồng Thanh Quang, Đỗ Bạch Mai, Trần Mai Hưởng... Cuốn sách cũng giới thiệu các bìa và minh họa sách của Văn Cao, như bìa và minh họa tiểu thuyết “Búp sen xanh”, bìa và minh họa “Tuyển tập thơ Victor Hugo”...

Tại hội thảo “Văn Cao mùa chữ, mùa người”, nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng ban Văn học nghệ thuật – VOV6 cho biết, Văn Cao có nhiều thành tựu và cống hiến xuất sắc ở cả ba lĩnh vực âm nhạc, thơ ca và hội họa. Mảng âm nhạc của ông được công chúng biết đến nhiều hơn, vì vậy, Ban tổ chức đã chọn chủ đề hội thảo và thực hiện cuốn sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người” để giới thiệu sâu về mảng thơ ca và một phần mảng hội họa của ông.

img_5897.jpg
Các nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, nhà thơ có tham luận tâm huyết về sáng tác của Văn Cao, nhất là mảng thơ ca.

PGS.TS, nhà lý luận phê bình văn học Phùng Gia Thế, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ, về thơ, Văn Cao sáng tác không nhiều (khoảng trên dưới 70 bài). Thơ Văn Cao chủ yếu là thơ tự do hiện đại trong cấu tứ, hình ảnh, từ ngữ. Cách đặt nhan đề, cấu trúc bài thơ luôn được ông lạ hóa, độc đáo nhưng không bí hiểm. Là người có nhiều đóng góp về thi pháp, cấu trúc, song thơ của Văn Cao dường như nổi bật hơn bởi sự hiện diện độc đáo của một cái nhìn.

PGS.TS Ngô Văn Giá cũng đánh giá thơ Văn Cao cho thấy sức sống của tinh thần kiệm chữ trong thơ. “Tinh thần kiệm chữ, chắt lọc chữ, giàu có về họa tính và những năng lực tổng hợp khác nữa rất khó gọi tên ở một kích cỡ nghệ sĩ Văn Cao đã khiến cho người đọc có cảm giác mỗi bài thơ là một sự cất tiếng tự nhiên, trực tiếp từ tim óc, mỗi câu chữ dính trầm của tư tưởng. Thơ (cũng như ca từ trong âm nhạc) Văn Cao làm nên sự giàu có và quyền năng cho tiếng Việt”, PGS.TS Ngô Văn Giá khẳng định.

Nhìn vào hành trình thơ Văn Cao có thể thấy cả sự vận động của thi ca Việt Nam hiện đại, từ lãng mạn đến tượng trưng và siêu thực. Nhà văn Thiên Sơn nhận định: “Từ một nhà thơ lãng mạn, Văn Cao đã nỗ lực để trở thành một nhà thơ hiện thực. Từ một nhà thơ hiện thực, Văn Cao tiến thêm một bước vào lãnh địa của thơ tượng trưng”...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Văn Cao mùa chữ, mùa người” tôn vinh những đóng góp cho thơ ca

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.