Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn cảnh chỗ thừa, chỗ thiếu

Hương Ly| 06/06/2012 07:34

(HNM) - Đóng góp khoảng 20% GDP và được coi là


Mặc dù nguồn vốn đầu tư cho tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) đã không ngừng tăng lên, song theo các đại biểu Quốc hội (QH) tại phiên thảo luận sáng 5-6, đầu tư công cho lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vẫn đang trong tình trạng dàn trải, kém hiệu quả. Việc thiếu vắng những chính sách đầu tư thỏa đáng cho khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ nông nghiệp, nông thôn cũng đang khiến "điểm tựa" của nền kinh tế phát triển nhưng thiếu bền vững.


Hiện nay vẫn thiếu sự đầu tư thỏa đáng để nông nghiệp phát triển, có bước chuyển mạnh mẽ. Ảnh: Trung Kiên

Vốn đầu tư cho tam nông: Quá khiêm tốn

Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu QH tại phiên thảo luận xung quanh việc thực hiện chính sách về đầu tư công cho tam nông. Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn), thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Sản lượng lương thực được bảo đảm vững chắc với mức bình quân 509kg/người, sản lượng thủy sản đạt 2,9 triệu tấn… Khi nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp đình đốn, giải thể, nhiều công nhân lại trở về với nông nghiệp, vốn nơi gắn bó của gần 70% dân số cả nước. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này vẫn trong tình trạng chưa tương xứng, thực tế, vốn đầu tư cho tam nông mới đáp ứng được 55-60% nhu cầu. Nguồn lực này cũng chủ yếu được rót vào xây dựng cơ sở hạ tầng, những lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 5 năm vừa qua đầu tư cho thủy lợi chiếm tới 79% tổng vốn đầu tư toàn ngành. Thiếu sự đầu tư thỏa đáng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nghiên cứu khoa học đã lý giải tại sao nền nông nghiệp nước nhà chưa có bước chuyển mạnh mẽ và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, việc đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia nơi thì quá nhiều, nơi thì quá ít. Vốn đầu tư chỉ mới chú trọng vào hạ tầng, cụ thể là các công trình thủy lợi, còn hệ thống giao thông, nước sạch lại chưa được quan tâm đúng mức. Tại một số khu vực vùng cao, hải đảo, biên giới vẫn chưa có điện; trường học, cơ sở y tế tuyến huyện, xã còn nghèo nàn; trình độ giáo viên, cán bộ y tế cũng rất hạn chế. Đại biểu Nguyễn Thu Anh kiến nghị, hai công trình thủy lợi ở hồ Đạ Lây, Đa Sị tại tỉnh Lâm Đồng đã được khởi công, song bị đình lại bởi chủ trương cắt giảm đầu tư công là chưa thỏa đáng. Đây là khu vực dân cư rất nghèo. Hai công trình này có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, mong muốn Bộ NN&PTNT và Chính phủ xem xét, cho phép tiếp tục xây dựng, để tới năm 2015 hoàn thiện hệ thống thủy lợi, bảo đảm tưới tiêu cho diện tích trồng lúa ở hai vùng này. "Nông thôn ổn định sẽ hạn chế được tình trạng người dân bỏ ra thành thị, từ đó bảo đảm tốt các chính sách an ninh quốc phòng và an sinh xã hội của Chính phủ", đại biểu Nguyễn Thu Anh nhấn mạnh.

Rót thêm nguồn vốn cho khoa học công nghệ

Trao đổi với báo chí tại hành lang QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu cho biết, tình trạng thiếu vốn đầu tư cho tam nông, Chính phủ, QH đều biết nhưng "cái khó bó cái khôn" vì ngân sách nhà nước còn eo hẹp. Việc tìm kiếm các nguồn vốn xã hội hóa và sự hỗ trợ của các tổ chức cho tam nông sẽ khắc phục được thực trạng này. Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần kết hợp đầu tư công với xã hội hóa đầu tư để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần tăng mức ưu đãi để thu hút DN tham gia đầu tư cho tam nông. Việc làm này sẽ giúp có thêm nguồn vốn phục vụ các công trình, dự án trọng điểm, như xử lý ô nhiễm môi trường, cung cấp nước sạch cho nông thôn...

Việc đầu tư thỏa đáng nhằm phát triển KHCN phục vụ tam nông cũng được các đại biểu đặc biệt lưu tâm. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, do thiếu vắng những chính sách mang tính đột phá để phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp nên thị trường chế biến nông sản thời gian qua đã không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này đã dẫn đến thực trạng, ngành nông nghiệp của chúng ta giai đoạn vừa qua dù đã gặt hái được nhiều thành tựu nhưng vẫn phát triển thiếu vững chắc và tính cạnh tranh chưa cao. Đây là vấn đề cần được xem xét thỏa đáng để từ đó có những chính sách đầu tư thỏa đáng cho tam nông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn cảnh chỗ thừa, chỗ thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.