(HNM) - Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng chất lượng của các kỳ họp. Để tổ chức thành công kỳ họp thì vai trò của Thường trực HĐND trong chuẩn bị và điều hành là yếu tố rất quan trọng.
Chuẩn bị sớm, chặt chẽ
Sau một năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức 4 kỳ họp, ban hành nhiều nghị quyết đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài các nghị quyết thường kỳ, HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, bám sát cuộc sống như về công tác phòng cháy, chữa cháy; phân cấp quản lý đối với một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường quản lý phương tiện giao thông… được đông đảo cử tri ghi nhận, đồng tình qua các đợt tiếp xúc với đại biểu HĐND.
Thường trực HĐND huyện Ứng Hòa cập nhật thông tin chuẩn bị, điều hành kỳ họp. Ảnh: Thái Hiền |
Kinh nghiệm của Thường trực HĐND TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã thực hiện hiệu quả từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay là sớm chuẩn bị các nội dung quan trọng, bám sát thực tiễn đời sống dân sinh, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, linh hoạt trong điều hành...
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, để kỳ họp thành công, ban hành các nghị quyết trúng, sát thực tiễn, đi vào cuộc sống, vai trò của Thường trực HĐND trong chuẩn bị và điều hành rất quan trọng. Công tác chuẩn bị phải cách kỳ họp 3 tháng dựa trên cơ sở quy định của luật; vấn đề phát sinh mới và nổi lên từ các cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát. Từ đó, Thường trực HĐND thành phố phối hợp cùng với UBND, Ủy ban MTTQ để lựa chọn các nội dung đưa ra tại kỳ họp đúng luật, bảo đảm chất lượng, đáp ứng những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn. Đặc biệt, việc lựa chọn vấn đề cho phiên chất vấn của kỳ họp cũng phải tiến hành sớm để có thể xem xét, theo sát, chuẩn bị và chuyển tải công khai tới UBND thành phố.
“Trong kỳ họp thứ tư HĐND thành phố khóa XV, Thường trực HĐND thành phố đã đổi mới, chuẩn bị các nội dung chất vấn từ rất sớm. Đơn cử như công tác quản lý trật tự xây dựng, đô thị. Trước đó 6 tháng, Thường trực HĐND thành phố đã phân công các ban HĐND giám sát, khảo sát, ghi hình. Sau 6 tháng, các ban HĐND trở lại các địa điểm đó, xem thực tế thay đổi như thế nào, từ đó lấy cơ sở để chất vấn tại kỳ họp. Chuẩn bị kỹ lưỡng nên nội dung chất vấn đều rất sâu, mang tính xây dựng, gợi mở giải pháp để UBND thực hiện” - Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc dẫn chứng.
Từ kinh nghiệm hoạt động của Thường trực HĐND thành phố, thời gian gần đây, Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã cũng đã đổi mới các kỳ họp, thấy rõ chuyển biến tích cực. Cụ thể như việc phát tài liệu cho đại biểu nghiên cứu từ trước, tại nghị trường chỉ trình bày các báo cáo tóm tắt, dành thời gian cho thảo luận. Thường trực HĐND các địa phương cũng chú trọng lựa chọn nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn đề cập đến những vấn đề cử tri bức xúc.
Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ Tạ Quang Được cho biết, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND huyện chủ động phối hợp với UBND, MTTQ huyện tổ chức hội nghị liên tịch để thống nhất thời gian, chương trình, nội dung và xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy. Trong quá trình chuẩn bị, những nội dung cần điều chỉnh, thay đổi, Thường trực HĐND và UBND huyện kịp thời thống nhất. Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả kỳ họp có chuyển biến rõ.
Phản biện những dự thảo nghị quyết quan trọng
Dù có nhiều cố gắng, song theo đánh giá của Thường trực HĐND TP Hà Nội, hiệu quả hoạt động của HĐND một số địa phương vẫn chưa cao; số nghị quyết chuyên đề cấp quận, huyện, thị xã mới chiếm 40%; đặc biệt hoạt động của HĐND cấp xã, phường còn rất hạn chế, nhất là khâu thẩm tra, chất vấn.
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam, để ban hành các nghị quyết chuyên đề trúng, hiệu quả, Thường trực HĐND các địa phương cần đề nghị Ủy ban MTTQ cùng cấp tham gia phản biện đối với những dự thảo nghị quyết quan trọng, có tác động nhiều đến xã hội. Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Thường trực HĐND cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp về những nội dung quan trọng; tổ chức giao ban thường xuyên để thảo luận, định hướng các ban HĐND trong việc thẩm tra những vấn đề có tính chất phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến đời sống dân sinh”.
Quá trình điều hành kỳ họp không phải ở quận, huyện nào cũng trơn tru, vì thế theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND các địa phương như: Chương Mỹ, Mê Linh, Hà Đông, Đống Đa, Tây Hồ, kỳ họp cần phải có kịch bản, phân công rõ ràng từng bộ phận. Đặc biệt, trong điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa cần định hướng đại biểu HĐND nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi đến cùng của vấn đề; người trả lời cũng cần có trọng tâm, nêu rõ trách nhiệm, nguyên nhân, tiến độ và thời hạn giải quyết. Kết thúc mỗi nhóm vấn đề và cả phiên chất vấn, chủ tọa có kết luận rõ ràng, cụ thể từng nội dung, mốc thời gian hoàn thành, làm căn cứ để UBND cùng cấp tổ chức thực hiện; đồng thời thường trực, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND và cử tri giám sát...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.