Khoảng 700 năm trước Công nguyên (TCN), các nhà thiên văn học Hy Lạp đã tìm cách mô tả bầu trời dựa trên những kiến thức toán học. Họ quan tâm đến những chu kỳ tự nhiên của thời gian như ngày, tháng, năm hay chu kỳ của Mặt trăng.
Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế của cư dân trong việc sản xuất lương thực. Người nông dân quan sát thời điểm mọc và lặn của một số chòm sao cố định trên bầu trời để định ra mùa vụ. Khoảng năm 700 TCN, Hesiad, người coi là "cha đẻ của thơ giáo khoa tiếng Hy Lạp" đã viết một số sử thi. Trong số đó, hiện còn lại hai sử thi hoàn chỉnh miêu tả cuộc sống của người nông dân thời ấy. Đồng thời, sử thi cũng miêu tả chi tiết lịch mùa vụ dựa trên sự quan sát một số chòm sao. Thời kỳ này, một năm được chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày. Các nhà thiên văn khi làm ra lịch đã dần quan tâm đến Mặt trăng. Khoảng năm 600 TCN, lịch mới đã được thay thế với một năm gồm 6 tháng có 30 ngày và 6 tháng có 29,5 ngày. Tiếp theo, Solon - một chính khách ở Athens đã cải thiện lịch theo chu kỳ hàng năm hai. Ông chia mỗi hai năm thành 13 tháng có 30 ngày và 12 tháng có 29 ngày.
Sự khác nhau trong các cách làm lịch trên đã ảnh hưởng đến mùa vụ và vì vậy cần một cách quan sát Mặt trăng tốt hơn để có lịch đúng. Khoảng năm 500 TCN, Pythagore đã đạt được một số tiến bộ quan trọng trong thiên văn học. Ông cho rằng hình cầu là dạng hình hoàn hảo cho chuyển động, bởi vậy Trái đất phải có dạng hình cầu. Ông cũng thừa nhận, Mặt trăng chuyển động quanh đường xích đạo của Trái đất. Tư duy này của ông có ảnh hưởng lâu dài trong suốt quá trình phát triển của khoa học, là động lực cơ bản ảnh hưởng đến những nhà khoa học vĩ đại sau này như Newton, Einstein.
Khoảng năm 450 TCN, Oenopides đã phát hiện ra mặt phẳng hoàng đạo (là mặt phẳng tạo ra giữa Mặt trời và Trái đất) nghiêng so với đường xích đạo một góc 24 độ. Ông cũng đề xuất một chu kỳ lịch với 59 năm gồm 730 tháng hoặc chu kỳ 8 năm và có thêm một tháng 3 nhuận. Cùng giai đoạn này, Philolaus, thuộc trường phái Pythagore, lại đề xuất một chu kỳ 59 năm với 729 tháng. Philolaus cũng là người đầu tiên đề xuất rằng Trái đất đang quay, dù ông không khẳng định là quay quanh Mặt trời. Năm 432 TCN, Meton đã giới thiệu một lịch dựa vào chu kỳ 19 năm. Đây là một phát minh tương tự với phát minh của cư dân Lưỡng hà ngay trước đó. Ông cùng với Euctemon đo được những điểm Mặt trời gần đường xích đạo nhất (gọi là điểm chí) để xác định độ dài của năm. Những quan sát này rất có ích cho các nhà thiên văn học sau này như Hipparchus và Ptolemy.
Kết quả kỳ trước. Đài thiên văn lớn nhất thế giới được đặt tại Chile. Giải thưởng trị giá 50.000 đồng/người, được trao cho bạn Đặng Kỳ Bảo (Trường THCS Đông Thái), Nguyễn Đức Minh (143 Mai Hắc Đế).
Kỳ này. Mỗi năm có mấy ngày chí hả các em? Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.