(HNMCT) - Sau gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành, gây thiệt hại ghê gớm trên toàn cầu. Tính đến sáng 8-6, thế giới đã có 174.370.325 ca mắc virút SARS-CoV-2, trong đó có 3.751.893 ca tử vong, và các nước cũng ghi nhận có 157.620.292 bệnh nhân được điều trị khỏi. Tại Việt Nam, tổng số ca nhiễm là 9.027 ca, có 53 trường hợp tử vong, và chúng ta cũng có 3.509 trường hợp được điều trị khỏi bệnh.
Đáng chú ý, từ chỗ là “điểm nóng”, đến nay tình hình bệnh dịch ở nhiều quốc gia Âu - Mỹ đã có chiều hướng giảm nhờ “lá chắn” vắc xin. Tính đến cuối tháng 5 đã có hơn 1,8 tỷ liều vắc xin ngừa virút corona được tiêm trên toàn cầu. Thực tế tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao là Anh (31,3%) và Israel (56,5 %), vắc xin đã giúp giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm số người nhập viện và số ca tử vong. Hay như Mỹ, mặc dù hiện vẫn đứng đầu thế giới với 34.224.283 ca mắc, trong đó có 612.623 ca tử vong (số liệu sáng 8-6), tuy nhiên nhờ chiến dịch tiêm chủng phát huy hiệu quả, số ca mắc mới từ chỗ hàng trăm nghìn ca/ngày đã giảm còn vài chục nghìn ca.
Đặc biệt, báo chí ngày 8-6 dẫn thông tin một quan chức y tế Na Uy khẳng định đất nước Bắc Âu có dân số 5,328 triệu người này đã trở thành quốc gia đầu tiên dập được dịch Covid-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Với hơn 3 triệu liều vắc xin được cung cấp, hơn 1,157 triệu người được tiêm đủ liều, nếu như nước này tiếp tục tăng cường cảnh giác đồng thời với việc “phủ sóng” vắc xin, chắc chắn tuyên bố trên không phải là quá thiếu thực tế!
Dẫn một vài thông tin để thấy, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đang là xu hướng, giải pháp mang tính toàn cầu, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch”, rõ ràng nếu không đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin thì chúng ta sẽ vẫn bị động, loay hoay với “khoanh vùng”, “truy vết”, “cách ly”, thường xuyên đối mặt với nguy cơ phong tỏa, giãn cách xã hội (từng khu vực hoặc trên diện rộng), và như vậy sẽ không thể hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đáng nói là sẽ bị cô lập, đứng ngoài “sân chơi” toàn cầu, cuộc sống không biết đến bao giờ mới trở lại bình thường!
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 16h ngày 7-6, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố được 1.354.856 liều với 42.115 người được tiêm đủ 2 mũi. Như vậy, với tỷ lệ dưới 0,1% dân số được tiêm đủ liều, nước ta đang ở “vùng trũng” về tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Hiện Chính phủ và các ngành chức năng đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 150 triệu liều vắc xin để tiêm chủng cho 75 triệu đối tượng cần được tiêm chủng, ước tính cần khoảng 25,3 nghìn tỷ đồng.
Để đồng hành cùng Chính phủ và các ngành chức năng, san sẻ gánh nặng ngân sách, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 đã ra mắt tối 5-6 và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của dư luận xã hội. Đúng với ý nghĩa “quỹ của sự nhân ái, quỹ của tinh thần đoàn kết và trái tim kết nối trái tim”, chỉ 1 ngày sau Quỹ đã nhận được hơn 5.566 tỷ đồng ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ đối với Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 cho thấy tinh thần đoàn kết, yêu nước và truyền thống “tương thân tương ái” cao đẹp của dân tộc một lần nữa được khơi dậy, thổi bùng lên ngọn lửa nhân ái trong cộng đồng.
Tuy nhiên, để có vắc xin tiêm đủ liều cho 75 triệu người không phải là chuyện "một sớm một chiều", hơn nữa, như các chuyên gia y tế đã chỉ ra, virút SARS-CoV-2 rất phức tạp và chúng ta chưa hiểu hết các biến chủng liên tục của nó để sản xuất ra thứ vắc xin đặc hiệu có thể chiến thắng hoàn toàn đại dịch.
Vì thế, bất luận trong tình huống nào chúng ta cũng không được phép chủ quan, lơ là, phải tuân thủ "5K" để cắt đứt đường lan truyền của virút. Nói cách khác, việc người dân nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch chính là một thứ “kháng sinh đặc biệt” để kết hợp cùng với vắc xin ngừa Covid-19 tạo thành một loại "vắc xin" hữu hiệu giúp chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống đại dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.