Chiều 21-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười tám, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Chính phủ báo cáo về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu rõ các quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển. Mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; quốc phòng, an ninh được bảo đảm...
Về các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó, vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8 - 8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD...
Về nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần phân tích, đánh giá sâu hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, dân số, tài nguyên nhân văn và các yếu tố khác như: Khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lực cạnh tranh, thể chế quốc gia và văn hóa truyền thống dân tộc, dân số và xu hướng dịch chuyển dân cư…
Đồng thời, cần đưa ra nhận định các điều kiện, yếu tố này tác động (tích cực, tiêu cực) như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong thời gian tới; bảo đảm tính xuyên suốt, thống nhất các nội dung phân tích, đánh giá từ hiện trạng, kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra với đề xuất các giải pháp tương ứng được nêu trong Báo cáo...
Thể hiện đầy đủ các nội dung để phân bổ, tổ chức không gian phát triển quốc gia
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, cơ quan đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát bố cục và kết cấu thiết kế các mục sao cho đúng quy định của Luật Quy hoạch; rà soát thêm nội dung về đột phá chiến lược, về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý về định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, bổ sung thêm nội dung chủ trương, chính sách trong phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nên đưa tập trung trong vấn đề xử lý môi trường, nhất là rác thải, nước thải, phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhấn mạnh thêm "phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin và hạ tầng số quốc gia", "hoàn thành các công trình có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng". Theo đó, nghiên cứu bổ sung phát triển hạ tầng cho kinh tế tuần hoàn, hạ tầng bảo vệ môi trường.
Về giáo dục, đồng ý với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mục tiêu giáo dục cần phải có ưu tiên cao; đồng thời gợi mở có thể nghiên cứu quy định nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đại học đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN…
Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, nên chăng xác định cụ thể về khung kết cấu hạ tầng quốc gia, nhất là trong giai đoạn đến năm 2030, bên cạnh đường bộ, phải chú trọng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và vận tải đa phương thức.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự đồng tình khi trong quy hoạch đã chú trọng đến hành lang Đông - Tây để có thể khai thác nhiều cơ sở hạ tầng, nhất là các cảng biển trong kết nối quốc tế. Về du lịch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhấn mạnh hơn trong việc tạo lập các trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng, rồi mối liên kết giữa các ngành, các thành phần kinh tế và các loại hình hoạt động du lịch, bởi vì đây là một ngành tổng hợp.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến về định hướng phát triển công nghiệp, phân bổ và không gian công nghiệp, nhấn mạnh thêm các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp và nông thôn...
Phát biểu ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, trong quy hoạch biển, những vấn đề liên quan đến dịch vụ hàng hải, vận tải đường biển còn chưa được đậm nét, đề nghị cần đầu tư nghiên cứu để làm sâu sắc nội dung này, tận dụng tốt những lợi thế của Việt Nam để xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đội tàu, đưa giao thông đường biển phát triển xứng tầm; đề nghị cần có sự chú trọng đúng mức cho giao thông đường sắt...
Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị, trong dự thảo nghị quyết và các phụ lục kèm theo nghị quyết phải thể hiện đầy đủ các nội dung cần có của quy hoạch tổng thể quốc gia để phân bổ và tổ chức không gian phát triển quốc gia, làm căn cứ định hướng cho quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Khi hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết, phải quán triệt nguyên tắc quy hoạch tổng thể quốc gia không chồng lấn vào phạm vi của các quy hoạch cấp dưới, nhưng phải cụ thể, chi tiết, đủ làm định hướng, căn cứ cho quy hoạch cấp dưới và thể hiện mối quan hệ với quy hoạch cấp dưới.
Các nội dung trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần có tiêu chí, mục tiêu, với mức độ chi tiết phù hợp theo từng vùng, từng ngành, lĩnh vực, làm định hướng, căn cứ cho quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải cụ thể, chi tiết hơn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và các nghị quyết của Bộ Chính trị về các vùng kinh tế.
Các đại biểu đề nghị rà soát, phân bổ, đánh giá đầy đủ thực trạng việc tổ chức không gian phát triển của đất nước, nhận diện đầy đủ bất cập, rủi ro, thách thức để có định hướng, giải pháp phù hợp đưa vào dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, trong đó có xây dựng các hệ thống chỉ tiêu phù hợp. Các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên cần có tính dự báo cao. Định vị đất nước trong khu vực và thế giới thể hiện quyết tâm và yêu cầu phát triển, nhưng phải phù hợp với nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, thách thức, rủi ro để bảo đảm phát triển đất nước nhanh, bền vững, khả thi...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia và báo cáo thẩm tra. Đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, cơ quan lập, cơ quan thẩm tra chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, tuy nhiên, các cơ quan hữu quan đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, trong đó lưu ý tuân thủ Luật Quy hoạch, bám sát kết luận của Hội nghị Trung ương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cho biết thời gian đến kỳ họp bất thường rất gấp, thời gian kỳ họp bất thường rất ngắn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội nêu cao tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, thực hiện các bước công việc tiếp theo bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ mười tám.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.