Ngày 16-5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) tiếp tục phần xét hỏi về hành vi cố ý làm trái, hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang (viết tắt là Công ty Phương Trang).
Ngân hàng Xây dựng từng khởi kiện Công ty Phương Trang 26 vụ
Theo đại điện Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Xây dựng), từ năm 2010-2012 (trước khi bị mua lại và đổi tên), tiền thân Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân có quan hệ hợp tác (gọi tắt là nhóm Phương Trang) tổng cộng 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc, 1 khoản phát hành trái phiếu với tổng số tiền giải ngân trên sổ sách là 16.468 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 16/5. Ảnh: Thành Chung/TTXVN |
Đại diện Ngân hàng Xây dựng cho biết, đơn vị này đã khởi kiện 26 vụ án liên quan đến Ngân hàng Đại Tín ra tòa án nhân dân các quận 1, 3, 7, 11, Thủ Đức, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh), thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), quận Hải Châu (Đà Nẵng), huyện Bến Lức (Long An)... Hiện tại hầu hết các vụ án đã được thụ lý.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã đề nghị Ngân hàng Xây Dựng với tư cách nguyên đơn dân sự có văn bản yêu cầu tất cả các tòa án trên đình chỉ vụ án chờ kết quả của vụ án hình sự này. Lý do là khi vụ án hình sự đang được giải quyết thì tất cả các vụ án tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đều phải tạm đình chỉ, chờ bản án hình sự có hiệu lực pháp luật thì mới thụ lý tiếp.
Công ty con của Công ty Phương Trang từng chuyển tiền cho Vũ "nhôm"?
Một chi tiết đáng chú ý, trong khi xét hỏi đại diện Công ty Phương Trang, luật sư Trương Vĩnh Thủy đã cung cấp thông tin rằng trong một khoản vay của Công ty TNHH Thành Đăng (Công ty con của Phương Trang, nay là Công ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản Phương Trang), sau khi nhận tiền thì đã chuyển trả cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", hiện đã bị bắt tạm giam trong một vụ án khác) 30 tỷ đồng mua đất ở Đà Nẵng qua tài khoản của ông Vũ (bút lục 6146). Tuy nhiên, đại diện Công ty Phương Trang không xác nhận chi tiết này và chỉ nói rằng hồ sơ thể hiện rõ.
Trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín) cho biết, trước khi cho Công ty Phương Trang vay tiền tại Ngân hàng Đại Tín thì bị cáo có biết Công ty Phương Trang đang vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn và dư nợ không được tốt. Sau đó bị cáo có nói điều này cho Hứa Thị Phấn.
Còn theo ông Lê Hồng Quân, đại diện Ngân hàng Nhà nước theo ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu các tổ chức tín dụng báo cáo theo đúng quy định thì những khoản vay của khách hàng đều được cập nhật trên hệ thống của Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức tín dụng nào cũng có quyền trích xuất thông tin về các khoản vay của khách hàng.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Thảo (người ra quyết định thanh tra Ngân hàng Đại Tín) cho biết, sau khi Thanh tra Ngân hàng Đại Tín, Đoàn thanh tra báo cáo lại rằng đã mời đại diện Công ty Phương Trang nhưng Công ty Phương Trang từ chối làm việc. Trước diễn biến này, Hội đồng xét xử đã yêu cầu ông Đặng Văn Thảo cung cấp quyết định thanh tra, 9 biên bản xử phạt hành chính với tổng số tiền 154 triệu đồng.
Phiên tòa tiếp tục làm việc vào ngày 18-5.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.