Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên số 1 là chống lạm phát

Võ Lâm| 27/09/2011 07:02

GDP quý III tăng 6,11% *Chỉ số giá tiêu dùng tăng mức thấp nhất kể từ đầu năm *Chính phủ sẽ tập trung cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước


Với những phân tích sâu sắc về nguyên nhân lạm phát trên cơ sở báo cáo độc lập của Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ tin tưởng hoàn thành những mục tiêu quan trọng về kinh tế. Tuy nhiên, nổi lên trong các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ là vai trò cực kỳ quan trọng của tâm lý người dân trước những diễn biến thị trường.

Tiếp tục thắt chặt tiền tệ


Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng mức thấp nhất từ đầu năm tới nay là tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế.   Ảnh: Đàm Duy


Ngay sau khi phiên họp kết thúc, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo thông tin về kết quả dưới sự chủ trì của Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam. Nối tiếp tháng 8, kinh tế vĩ mô trong tháng 9 tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực. Điển hình là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với mức tăng dưới 1% tháng thứ hai liên tiếp (tháng 9 tăng 0,82%) và là mức tăng thấp nhất từ đầu năm. Kể từ tháng 5, đây là tháng thứ 4 liên tiếp CPI chung cả nước giảm. Với đà này, Chính phủ tin tưởng có thể thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 18% cả năm 2011. Xuất khẩu tiếp tục đà tăng tốt, trong khi nhập siêu tiếp tục giảm. Với đà nhập siêu hiện nay, tính toán của các bộ cho thấy, Chính phủ có thể kiềm chế nhập siêu cả năm 2011 ở mức dưới 13%, thấp hơn cả mức Chính phủ dự kiến trước đây (15%) và mức Quốc hội yêu cầu (18%).

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thặng dư cán cân thanh toán ngoại tệ đã dương, dự trữ ngoại tệ tăng; lãi suất giảm, hiện nay lãi suất huy động tiết kiệm ở mức 14% - 15%, lãi suất cho vay đã giảm và có xu hướng tiếp tục giảm… Tăng trưởng GDP từ đầu năm đến nay theo xu hướng quý sau cao hơn quý trước, trong đó quý III, GDP tăng 6,11%. Chính phủ xác định phấn đấu quý IV tiếp tục đà tăng trưởng này để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6%.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Mục tiêu của cả năm 2011, 2012 và cơ bản là cả nhiệm kỳ của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý. Trước mắt, Chính phủ xác định ưu tiên số 1 là chống lạm phát. Trong đó, việc điều hành chính sách tiền tệ có linh hoạt, nhưng cơ bản là tiếp tục thắt chặt. "Chính sách này chắc chắn đụng chạm, ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng chúng ta phải chấp nhận" - Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết. Tại phiên họp này, Chính phủ đã nghe báo cáo độc lập của Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình, nguyên nhân của lạm phát và giải pháp chống lạm phát.

Nhận định chung của các báo cáo là lạm phát ở Việt Nam cao và kéo dài. Nguyên nhân chính là do tiền tệ. Trong thời gian dài, chúng ta đã đầu tư nhiều hơn là tiết kiệm, dẫn đến tăng trưởng tín dụng trên 30%, trong khi các nước cao nhất cũng chỉ tăng khoảng 10%. Thêm vào đó, hiệu quả đầu tư chưa cao. Ngoài ra, phải kể đến nguyên nhân rất quan trọng là chi phí tăng cao, nhất là khi nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu (nhập khẩu hằng năm bằng 80-90% GDP). Chưa kể, trong rổ hàng hóa tính CPI, lương thực thực phẩm có vị trí lớn, trong khi loại hàng hóa này lại hay biến động tạo nên vòng tròn đẩy giá lên.

Người dân có thể tự kiềm chế "lạm phát tâm lý"

Chính phủ xác định tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý tài chính, tiền tệ chặt chẽ, kiên quyết không để tái diễn tình trạng "đô la hóa" nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tập trung cơ cấu lại đầu tư, kể cả đầu tư chung của nền kinh tế; trong đó sẽ phải xem xét kỹ lưỡng từng dự án, để chọn ra các dự án ưu tiên, từ các dự án ưu tiên sẽ phải chọn ra những dự án ưu tiên hơn ("ưu tiên của ưu tiên"). Doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng cũng sẽ là đối tượng "ưu tiên" thực hiện cơ cấu lại với tinh thần hết sức quyết liệt không chỉ trong năm 2011 mà cả nhiệm kỳ của Chính phủ. Chính phủ cũng đang tính toán để cho phép các bộ thiết lập các cơ chế theo dõi, tăng cường quản lý các doanh nghiệp mọi thành phần thuộc ngành mình.

Có một nội dung rất đáng để lưu tâm trong phần thông tin về nguyên nhân lạm phát của Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam là về "lạm phát tâm lý". Trên cơ sở phân tích khoa học của các bộ, nếu lãi suất ngân hàng tăng 1%, chỉ gây ra lạm phát khoảng 0,03%; nhưng lạm phát tâm lý 1%, có thể làm lạm phát tăng thêm 0,64%, cao hơn rất nhiều. Thời gian qua, "lạm phát tâm lý" có vai trò rất quan trọng góp phần đưa lạm phát tăng cao trong thời gian dài. Người dân giảm lòng tin vào đồng tiền, chưa tin tưởng vào khả năng kiềm chế lạm phát của cơ quan quản lý nhà nước là những nguyên nhân chính tạo ra "lạm phát tâm lý".

Chính vì vậy, việc cần làm bây giờ là phải có biện pháp kiềm chế "lạm phát tâm lý" một cách hiệu quả. Đây cũng là lý do để mỗi người dân có thể bằng hành động cụ thể của mình góp phần đồng hành cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát. Liên quan đến nội dung này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cũng khuyến cáo người dân thận trọng trong việc mua bán vàng, vì giá cả đang rất phức tạp, trong khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp điều hành để làm lành mạnh hóa thị trường, bao gồm biện pháp nhập khẩu vàng.

Có thể yên tâm về nợ công
Trước những băn khoăn của dư luận về vấn đề nợ công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, nợ công quốc gia vẫn ở ngưỡng an toàn với mức nợ nước ngoài chiếm 42,2% GDP. Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm 62%, nợ nước ngoài của doanh nghiệp là 38%. Trong số nợ nước ngoài của Chính phủ có đến 93% là nợ từ nguồn vốn ưu đãi và ODA, chỉ có 7% là nợ thương mại. Nhiều khoản nợ có thời hạn trả lên tới hàng chục năm. So với các nước có cùng hệ số tín nhiệm BB, Việt Nam có mức nợ công trung bình.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên số 1 là chống lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.