(HNM) - Đến thôn Hồng Hồ, thị trấn Thanh Lẵng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc hỏi nhà em Lưu Văn Phương, ai cũng biết cậu bé khuyết tật học giỏi. Kể về cuộc đời mình, Phương bộc bạch, năm lên 3 tuổi em bị sốt cao, co giật, gây liệt toàn thân.
Bố mẹ đưa em đi chạy chữa khắp nơi, mất gần bốn năm trời bệnh tình mới thuyên giảm đôi chút, thân mình có thể cử động được nhưng đôi chân bị teo nhỏ không đi lại được.
Những ngày đầu tập đi bằng tay là cực hình đối với Phương vì hai tay và hai chân đau nhức. Đã có lần, Phương chán nản không tập nữa, nhưng rồi nhìn những giọt nước mắt lau vội của bố mẹ, Phương lại bò ra sân luyện tập khiến hai tay và hai chân rớm máu. Kiên trì tập luyện mãi, cuối cùng Phương đã di chuyển dễ dàng hơn, có thể tự nấu cơm, giặt giũ quần áo, quét nhà trong lúc cả nhà đi làm.
Phương ao ước được đến trường. Bố mẹ xin cho em đi học nhưng nhà trường xếp vào lớp học dành cho trẻ khuyết tật. Sau một năm, kết quả học tập loại xuất sắc, em được chuyển sang lớp bình thường học cùng các bạn. Những năm tiểu học, ngày nào mẹ cũng cõng em đến lớp.
Năm lớp 6, vì có thành tích học tập xuất sắc nên Phương được Hội Chữ thập đỏ tặng chiếc xe lăn. Ngày ngày em trai đẩy xe đưa Phương đi học. Lên bậc THPT, trường xa nhà, hai anh em Phương đèo nhau đi học bằng xe đạp. Lớp học ở trên tầng hai, người em trai lại phải cõng anh lên cầu thang. "Suốt tuổi thơ và tuổi học trò, em trai của em không chỉ là người em, người bạn thân mà còn là đôi chân của em", Phương tâm sự.
12 năm học, Phương luôn là học sinh khá, giỏi. Bạn bè trong trường rất nể và phục. Năm 2009, Phương vinh dự được Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc và Huyện đoàn Bình Xuyên tặng danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác".
Năm vừa qua, Phương thi vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin nhưng không đủ điểm. Không buồn, em chia sẻ: "Bố mẹ đã khổ vì em nhiều rồi, em không muốn mãi là gánh nặng cho gia đình. Kỳ thi vừa rồi em không đỗ, năm nay em đang ôn luyện để thi tiếp, thi đến khi nào đỗ đại học".
Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, bố Phương phải đi phụ hồ trên Yên Bái, mẹ đi giúp việc nhà ở Hà Nội, em trai Lưu Văn Trung đi làm ở Lai Châu. Ở nhà chỉ có một mình, Phương tự lo cuộc sống, ốm đau tự lấy thuốc uống, ban ngày đi học nghề mộc, tối về tự nấu cơm, rồi sau đó ngồi vào bàn tự học chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. "Em học nghề mộc để có thể làm việc, tự kiếm sống nếu chưa thi đỗ đại học", Phương cho hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.