(HNM) - Những ngày tháng năm, chúng tôi về thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, quê hương CCB, thương binh Nguyễn Văn Nhiên, hội viên Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Ba Vì (Hà Nội). Có dịp dốc bầu tâm sự, ông đã kể lại những năm tháng hào hùng thời trai trẻ cho chúng tôi nghe.
Đứa cháu hồn nhiên “khoe” vết thương trên đầu của ông Nhiên.
Sinh năm 1947, vào tháng 3-1967, khi chỉ còn hai tháng nữa là tốt nghiệp cấp III để vào đại học, nhưng như bao bạn đồng môn khác theo tiếng gọi của Tổ quốc ông khoác ba lô lên đường. Được biên chế vào C16, E64, F320 với cương vị pháo thủ số 1 khẩu đội DKZ82. Tháng 11-1967, đơn vị ông lên đường vào mặt trận Khe Sanh - Quảng Trị. Trận đầu tiên phối hợp cùng bộ binh đánh địch tại Đường 9 Cam Lộ thắng giòn giã, tiếp theo là trận Làng Vây, pháo kích sân bay Tà Cơn, cứ điểm 243 dốc Miếu... Vốn là học sinh giỏi của lớp chuyên toán Trường cấp III Quảng Oai, nên sau mỗi trận đánh trở về cứ, đơn vị họp rút kinh nghiệm, ông Nhiên đều phân tích, giảng giải về cách cân bằng bọt nước, lấy phần tử, tính năng pháo cho đồng đội học tập.
Tháng 4-1968, đơn vị ông Nhiên chuyển hướng sang Đông Hà - Cửa Việt, mở màn cho chiến dịch "Mở đường đón Bác vào Nam" và để góp phần tạo sức mạnh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris. Những ngày này, Quảng Trị trở thành một "chảo lửa". Trời nắng chang chang, nung các đồi cát cháy bỏng. Bom, pháo suốt ngày đêm. Chiều 29-4, đơn vị tiếp cận trận địa Ngã Tư Sòng, đây là đoạn huyết mạch để đi Cửa Việt, vào Đông Hà hay lên Đường 9 Khe Sanh. Mỗi lần tiếp tế lương thực, đạn dược, quân Mỹ dùng xe tăng M41 đi mở đường, mỗi chiếc nặng tới 50 tấn với 7 lính, 1 khẩu pháo 100, 1 khẩu 12,8 ly. Hạ được một chiếc M41 là giành cả hai danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ và dũng sĩ diệt cơ giới. Ông Nhiên kể: "Cả ngày 30-4-1968, thời tiết miền Trung "hầm" chúng tôi nhội nhoại, trên trời chỉ có vài chiếc L19, OV10 bay trinh sát và pháo chùm, pháo biển bắn từng loạt. Sáng ngày 1-5, ba chiếc phản lực F4 sạt rất thấp, tiếng động cơ xé gió đến rợn người rồi lặng thinh. Khoảng 10h, đài quan sát báo địch xuất hiện, mặt đất có tiếng rung. Đơn vị chọn là trận địa phục kích có yếu tố bất ngờ, địa hình thấp, có nhiều cây cối ngụy trang, bố trí 3 khẩu đội DKZ82 loại vũ khí của Nga sản xuất, còn gọi là tên lửa mặt đất, đã được cải tiến để di chuyển thuận lợi, đầu đạn có sức công phá 3.200oC (trận này chúng tôi dùng đạn xuyên bắn thẳng). Năm chiếc xe bọc thép ầm ầm lao tới. Chiếc đi đầu rướn lên hở sườn vào "điểm chết", tôi vòng tay bóp cò. Một luồng lửa màu cam phóng ra, chiếc đi đầu khựng lại, lệch sang mép đường, một quầng lửa bùng lên kèm những tiếng nổ ầm ầm. Chiếc xe sụp xuống. Tôi cũng bị đạn bắn trúng gối, phải quỵ xuống, rồi pháo từ Dốc Miếu Cồn Tiên, pháo ngoài biển bắn vào làm chiếc mũ sắt trên đầu văng ra, còn tôi thì bất tỉnh...
Hai ngày sau tỉnh lại, đúng lúc nghe đài phát thanh của ngụy nói "trận phục kích của Việt Cộng ở Ngã Tư Sòng hôm 1-5 làm quân lực Hoa Kỳ thiệt hại nặng; lữ đoàn Anh Cả Đỏ từ Tây Ninh nhảy ra cứu viện...". Nhìn quanh thấy toàn lính Mỹ bị thương đang kêu gào, biết là mình đã bị địch bắt, tôi nghĩ đến việc phải đổi tên thành Nguyễn Trọng Hà để giữ bí mật cho đơn vị. Sau ba tháng ở Đà Nẵng, địch đưa tôi ra Phú Quốc giam ở "Trại tàn phế". Để thời gian không trôi qua lãng phí, tinh thần bớt căng thẳng, những lớp học văn, học toán ra đời. Suốt ngày ngồi từng tốp viết trên đất, viết vào đáy ca, bọn lính gác nhìn thấy cười bảo nhau: "Cộng sản mù chữ đang tập viết A, B, C". Thế rồi một hôm, thằng thiếu tá trưởng khu dẫn tên cố vấn Mỹ to cao đeo lon đại tá cùng một toán lính vào trại. Mục đích chúng tìm một số tù nhân để phóng thích, nhằm gây uy tín tại hội nghị Paris. Thấy tôi đang làm toán, nó dừng lại rồi bất ngờ rút giấy bút viết một con toán đưa cho tôi, sau dấu bằng là dấu chấm hỏi. Tôi nghĩ nó bảo mình giải, nhìn qua biết đây là dạng toán phương trình bậc 3 của đại học, trong khi mình mới học phương trình bậc 2. Tôi nghiến răng suy nghĩ, chợt nhớ đến bộ phim "Hiệp 3" của Liên Xô trong đại chiến thế giới thứ II, đội bóng của tù binh Liên Xô trong trại giam của phát xít Đức đã hòa 1-1 với đội bóng của lính Đức. Chúng bắt đá hiệp 3, nếu đội tù binh thắng chúng sẽ giết hết... Nhưng đội Nga đã thắng. Đây là một danh dự, tôi nghĩ và giải thử bài toán xuống đất. Có tiếng nói nhỏ "cố lên Hà". Tôi chợt nhớ câu "Trâu đứng ăn năm, trâu nằm ăn ba", một con toán dân gian, tôi đặt thử một đẳng thức... Chỉ tay vào tờ giấy, tôi ra hiệu giảng giải, tên Mỹ trố mắt gật gật đầu. Tôi cầm bút đặt tờ giấy trên đất viết. Khoảng 15 phút sau, bỗng thằng Mỹ thốt lên: "OK! Number one" và cúi xuống cầm tờ giấy trên tay tôi xì xồ một tràng với thằng trưởng khu, còn rút máy ảnh ra chụp. Bọn đi theo há hốc mồm kinh ngạc, anh em xúm lại khênh tôi lên mà cười. Thế là kế hoạch phóng thích không còn nữa...
Hiệp định Paris thắng lợi, Nguyễn Trọng Hà sau 5 năm lao tù lại trở thành Nguyễn Văn Nhiên, có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về bên bờ sông Thạch Hãn, nơi ông đã cùng đồng đội đổ xương máu giữ gìn nay rợp bóng cờ sao. Về Đoàn an dưỡng Chương Mỹ - Hà Tây, ông được xếp thương tật 82% vì vết thương vỡ bánh chè gối phải, vỡ trán phải, mắt phải 0/11. Ông giãy nảy không nhận vì nếu nhận sẽ phải ở lại trạm, sẽ không có cơ hội tiếp tục đi học. Nhớ lại hôm hành quân qua Hà Nội đi trên đường Nam bộ, ông cứ tần ngần ngắm nhìn chiếc cổng vòm của Trường Đại học Bách khoa, mơ tới ngày chiến tranh kết thúc sẽ bước vào đây. Cuối cùng Hội đồng thương tật động viên ông chỉ nhận 60%.
Quê ông lúc ấy còn nghèo, cơm độn sắn độn ngô, người dân phải mò cua bắt ốc để kiếm sống. Trở về quê, ông mở cửa hàng chữa xe đạp ở chợ gần nhà. Thời gian sau, vết thương tái phát ông phải đi viện triền miên. Khám lại, thương tật lên 85%, thế là đành lỡ hẹn với cái "Cổng vòm" ở đường Nam bộ. Được cái, các con ông rất ngoan và đều học giỏi. Nhớ lại những ngày đầu trở về với đời thường, ông kể: "Nhà chật nên cứ tối tối phải kê chiếc chõng tre ra sân, con học, bố soi đèn cầm quạt mo kiểm tra. Thế mà nay cả ba đứa đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Mỗi lần chúng nó về quê, điện sáng quắc mà vẫn kêu tối, thật là có voi đòi tiên". Ông Nhiên nháy nháy mắt khiến vết lõm trên trán cũng phập phồng theo: "Dù sao mình cũng chỉ là anh học trò dốt, công không thành, danh không toại, có người còn gọi Nhiên thần kinh, mang được cái gáo sứt trở về là tốt lắm rồi".
Dốc bầu tâm sự, thỏa chí tâm giao rồi ông Nhiên ngẫm nghĩ xong chậm rãi nói: "Người xưa bảo học để kiếm miếng cơm, có người học thì nghèo nhưng lại nên cơ đồ rạng danh tiên tổ. Ngày nay lớp trẻ giỏi giang và năng động lắm, không cổ hủ như chúng mình ngày xưa đâu. Cũng mừng cho cháu Hưng và cháu Hùng nhà tôi, vừa được biên chế nhà nước, vừa mở công ty riêng chuyên nghiên cứu ứng dụng thuốc chống côn trùng cho ngành lâm nghiệp, có trụ sở tại Hà Nội; còn cháu gái Thanh Tư thì trở thành chuyên gia nghiên cứu cá của ngành thủy sản".
Những người lính già như ông Nhiên chỉ mong rồi đây những cánh đồng sẽ trên lúa, dưới cá, những cánh rừng Trường Sơn sẽ lại xanh tươi, đất nước mãi được độc lập, nhân dân no ấm, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.