Theo dõi Báo Hànộimới trên

Unilever và URENCO tổ chức đổi rác tái chế nhận quà tại Hà Nội

Hằng Nga| 31/08/2020 11:52

Chương trình phân loại rác tại nguồn gắn liền thu gom và xử lý rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội do Unilever hợp tác với URENCO xây dựng, đã được triển khai đúng kế hoạch vào quý III-2020. Trong tháng 8, phường đầu tiên thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã bắt đầu thực hiện chương trình.

Ngày 29-8, từ 7h sáng, người dân phường Cửa Đông háo hức rủ nhau cùng mang rác tái chế đến điểm thu gom rác tái chế để đổi những món quà nhỏ từ Công ty Unilever bao gồm các sản phẩm chăm sóc vệ sinh gia đình, nhà cửa, vệ sinh cá nhân như: Nước rửa chén và nước lau sàn Sunlight, bột giặt OMO, xà phòng Lifebuoy, dầu gội đầu Clear, kem đánh răng, bàn chải P/S và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác… Từ giữa tháng 8 đến nay, đã có 3 điểm phường tổ chức đổi rác tái chế lấy quà là phường Phan Chu Trinh, phường Lý Thái Tổ và phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Người dân đem các loại rác tái chế đã được phân loại tại nhà đến điểm thu gom và được đổi quà.

Trước đó, hơn 4.500 hộ dân tại 3 phường này đã được đội tuyên truyền trực tiếp hướng dẫn cách thức phân loại rác và đã chủ động thực hiện phân loại rác tại nhà. Rác được phân thành hai loại: Có thể tái chế và rác còn lại. Rác tái chế sẽ được thu gom và xử lý theo phương thức phù hợp. Riêng với rác thải nhựa, những loại rác thải nhựa có giá trị cao sẽ được tái chế thành bao bì sản phẩm. Rác thải nhựa có giá trị thấp và không có giá trị sẽ được xử lý, tái chế thành viên đốt - nhiên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất trong các nhà máy công nghiệp.

Ông Vũ Đức Ngọc Luyện, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3, phường Lý Thái Tổ cho biết: “Nhân dân trên địa bàn phường và đặc biệt là tổ dân phố chúng tôi rất phấn khởi hưởng ứng cuộc vận động này. Chúng tôi nhận thấy đây là một chương trình phân loại rác rất tốt, làm cho môi trường, cũng như hộ gia đình sạch sẽ và giúp bảo đảm sức khỏe cho người dân, đồng thời cũng giúp tiết kiệm chi phí cho hoạt động phân loại xử lý rác. Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm thực hiện và mong muốn chương trình được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa”.

Bà Trịnh Thị Ngoan, cư dân phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Tôi thấy chương trình phân loại rác lần này đem lại rất nhiều ích lợi. Rác sau khi phân loại được thu gom cẩn thận đem đi tái chế, người dân lại được đổi quà nên thêm phấn khởi. Tôi đã vận động cả dãy phố phân loại rác, trước tiên là sạch cho gia đình, hai là đẹp đường phố”.

Các em nhỏ tham gia đưa rác tái chế tích góp được đến điểm thu gom.   

Rác sau khi được phân loại sẽ được thu gom riêng biệt bằng 3 phương án: Công ty môi trường đô thị thực hiện thu gom hằng ngày, bằng xe rác 2 ngăn; người dân dùng app Mgreen để thông báo cho người đến thu gom rác tái chế và đổi quà tại nhà, hoặc đổi rác tái chế lấy quà tại các điểm thu gom cố định vào thứ bảy hằng tuần. Tại đây, các hộ gia đình có thể chủ động mang rác tái chế đến để đổi các sản phẩm dùng trong gia đình từ các nhãn hàng của Công ty Unilever.

Chương trình đổi rác tái chế lấy quà vào thứ bảy hằng tuần là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân Hà Nội, nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác dài hạn giữa Unilever và URENCO: “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và tái chế rác thải nhựa” từ năm 2020 đến 2025.

Ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và đối ngoại, Unilever Việt Nam, cho biết: “Với mong muốn có một giải pháp bền vững cho vấn đề ô nhiễm trắng tại các đô thị Việt Nam, Unilever và URENCO đã cùng xây dựng chương trình phân loại rác tại nguồn gắn liền với biện pháp thu gom và tái chế rác thải nhựa, lần đầu tiên được thực hiện tại thành phố Hà Nội. Để chương trình được lan tỏa và hưởng ứng như thế này, phải kể đến sự ủng hộ của UBND quận Hoàn Kiếm, cũng như UBND 18 phường, tổ dân phố trong quận, đã phối hợp chặt chẽ với URENCO, Unilever, cùng vận động và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn một cách hiệu quả và lâu dài. Chương trình hứa hẹn sẽ tiếp tục được mở rộng để người dân toàn thành phố chung tay đưa rác thải nhựa quay về phục vụ nền kinh tế, hạn chế rác chôn lấp, giúp môi trường sống tại Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn”.

Theo kế hoạch hành động đã được ký kết, URENCO chịu trách nhiệm tổ chức thu gom, vận chuyển, tái chế các loại rác thải. Unilever là đơn vị đối tác chiến lược, hỗ trợ tài chính, đồng hành cùng URENCO triển khai hoạt động thu gom và thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông giúp người dân hình thành và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn.

Ông Phạm Cao Thắng, Phó Tổng Giám đốc URENCO cho biết: “Theo kế hoạch của chúng tôi, đây là bước khởi đầu để người dân làm quen với cách thức và lợi ích của việc phân loại rác. Cùng với đơn vị đồng hành là Unilever, chương trình sẽ giúp người dân Hà Nội từng bước hình thành một thói quen tốt là thực hiện phân loại rác tại nguồn hằng ngày. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, tiến tới xây dựng những quy định pháp luật đồng bộ để việc phân loại rác tại nguồn đi vào cuộc sống của mọi người, mọi nhà”.

Là đơn vị tiên phong trong việc giảm rác thải nhựa trên toàn cầu, Unilever cam kết đến năm 2025 sẽ giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh bằng cách cắt giảm lượng bao bì nhựa sử dụng xuống hơn 100.000 tấn và tăng cường sử dụng nhựa tái chế, thu hồi và xử lý bao bì nhựa nhiều hơn số lượng công ty bán ra. Tại Việt Nam, Unilever đã có nhiều chương trình hành động cụ thể để hiện thực hóa cam kết này.

Cụ thể, Unilever phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty Dow, SCG thành lập Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam; đồng thời, triển khai chương trình hợp tác với các công ty môi trường đô thị uy tín như URENCO (Hà Nội), CITENCO (thành phố Hồ Chí Minh) để thực hiện phân loại rác tại nguồn, từng bước gỡ bỏ nút thắt trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Unilever và URENCO tổ chức đổi rác tái chế nhận quà tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.