(HNMO) - Báo cáo nhanh thời điểm 6h ngày 11-8 về tình hình ứng phó với bão số 2 của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn thành phố xảy ra mưa trên diện rộng. Khu vực các quận, lượng mưa đo được cao nhất tại quận Bắc Từ Liêm (101,1mm), Hoàng Mai (100,7mm), Nam Từ Liêm (72,6mm), Long Biên (68,3mm)...; khu vực các huyện: Đông Anh(118,0mm), Thạch Thất (101,8mm), Thanh Oai (96,5mm), Ứng Hòa (80,3mm)...
Ứng phó với bão số 2, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã triển khai ứng trực với đầy đủ phương tiện, nhân lực, thực hiện thu dọn vệ sinh các miệng thu, các tấm chắn vật cản, khơi thông dòng chảy...
Ngay khi có mưa, công ty đã vận hành hết công suất các cửa phai của các hồ điều hòa như: Hồ Bảy Mẫu, Đầm Chuối, Hố Mẻ... và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế... để hạ mức nước trên hệ thống theo đúng quy định. Do vậy, trên địa bàn Hà Nội không xuất hiện điểm úng ngập.
Ngoài hiện trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho hay, do mưa tập trung vào ban đêm, để bảo đảm công tác phòng, chống úng ngập, ngay từ lúc 5h ngày 11-8, công ty đã triển khai ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý. Đến thời điểm hiện tại, trạm bơm Yên Sở vận hành 8/20 bơm, Đồng Bông 1 vận hành 14/14 bơm, Cổ Nhuế 3/3 bơm... để hạ mực nước đệm trên hệ thống, sẵn sàng đón các trận mưa tiếp theo.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 2, trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa to kèm gió giật mạnh với lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 150mm.
Ông Trịnh Ngọc Sơn cũng cho hay, các lực lượng của công ty sẵn sàng ứng trực theo đúng phương án bảo đảm an toàn, khắc phục kịp thời mọi sự cố trên hệ thống thoát nước, hạn chế tối đa mức độ và thời gian úng ngập khi có mưa lớn xảy ra. Các thông tin lượng mưa, chế độ vận hành trạm bơm, cửa phai và tình hình úng ngập được cập nhật theo thời gian thực về Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước và lên phần mềm HSDC Maps.
Bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh môi trường trước ảnh hưởng của bão số 2, Sở Xây dựng Hà Nội có công văn yêu cầu Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị duy trì cây xanh rà soát, tăng cường chằng chống hệ thống cây mới trồng, hạn chế gãy đổ; kiểm tra, thực hiện cắt tỉa gọn tán, hạ thấp độ cao, bảo đảm an toàn trong mưa bão. Đồng thời, các đơn vị chuẩn bị thiết bị, nhân lực kịp thời giải tỏa cây, cành gãy đổ, không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị và các đơn vị duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị bảo đảm an toàn chiếu sáng đô thị, kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố (nếu có); chuẩn bị máy móc thiết bị, nhân lực, hậu cần... triển khai ứng trực theo quy định.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội và các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường tăng cường duy trì, có phương án thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; tăng cường kiểm tra, có phương án ứng trực phòng ngừa sự cố tại các ô chôn lấp, hồ lưu chứa nước rỉ rác, tránh gây ô nhiễm, không để rò rỉ nước rỉ rác ra môi trường tại các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố...
* Các công ty điện lực thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã và đang nhanh chóng, khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão.
Tại Nam Định, ông Đỗ Văn Thiện, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định thông tin nhanh, công tác ứng phó với bão số 2 về cơ bản đã được đơn vị hoàn thành. Do đặc thù là địa phương ven biển, thường có mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra, nên công tác chống ngập, chống úng được chú trọng.
Từ 17h ngày 10-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn Công ty Điện lực Nam Định, cùng các lực lượng vận hành, xung kích tổ chức ứng trực, để sẵn sàng ứng phó với các tình huống do mưa bão gây ra.
Tại thành phố Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin dự báo bão. Để hạn chế tối đa thiệt hại do bão và hoàn lưu bão gây ra, công ty đã tổ chức gia cố các vị trí xung yếu, sạt lở; chặt tỉa cây có nguy cơ đổ vào các tuyến đường dây; kiểm tra rà soát vật tư, công cụ dụng cụ, phương tiện thông tin liên lạc tại các đơn vị bảo đảm chủ động trong mọi tình huống xảy ra; chuẩn bị lực lượng thường trực 24/24 để khắc phục kịp thời mọi sự cố….
Trước đó, Tổng Giám đốc EVNNPC đã yêu cầu các đơn vị chủ động tổ chức triển khai phương châm "4 tại chỗ", trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn khi có tin bão ảnh hưởng đến đất liền khu vực miền Bắc; khắc phục nhanh sự cố, kịp thời khôi phục cung cấp điện cho khách hàng; tổ chức kiểm tra và gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở, sự cố gây mất an toàn trong quản lý vận hành, cung cấp điện.
Đối với các khu vực miền núi, EVNNPC yêu cầu các đơn vị tăng cường đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến lưới điện; các công ty điện lực có phương án bảo đảm cấp điện cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu khi úng ngập xảy ra; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tai nạn điện trong cộng đồng dân cư tại các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.