Hiện nay bệnh ung thư có xu hướng gia tăng nhanh ở nước ta. Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng, vậy có phải do cách ăn uống không đúng gây ra bệnh?
Theo TS. Nguyễn Văn Hiếu, Bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội, có nhiều lý do giải thích về sự gia tăng của bệnh ung thư như vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm… Vấn đề dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng liên quan chặt chẽ đến sự phát sinh và phát triển của căn bệnh ung thư.
Theo các nhà nghiên cứu ung thư học, dinh dưỡng đóng vai trò khoảng 35% trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư (trong khi vai trò của thuốc chiếm khoảng 30%). Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm mũi họng, ung thư vú, ung thư nội tiết…
Mối liên quan giữa dinh dưỡng và ung thư được thể hiện ở hai khía cạnh chính: trước hết là sự có mặt của các chất gây ung thư có trong các thực phẩm, thức ăn, đồ uống; vấn đề thứ hai có liên quan đến sinh bệnh học ung thư là sự hiện diện của các chất đóng vai trò làm giảm nguy cơ gây ung thư (vitamin, chất xơ…) đồng thời sự mất cân đối trong khẩu phần ăn cũng là một nguyên nhân sinh bệnh.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra các thực phẩm có chứa các dư lượng, tàn tích của các thuốc trừ sâu, không chỉ có thể gây ra ngộ độc cấp tính mà còn có khả năng gây ung thư.
Một số cách nấu thức ăn và bảo quản thực phẩm có thể sẽ tạo ra chất gây ung thư. Những thức ăn hun khói có thể bị nhiễm benzopyren, một chất gây ung thư thực nghiệm. Việc nướng trực tiếp thịt ở nhiệt độ cao có thể tạo ra một số sản phẩm có khả năng đột biến gen như dioxin, hydro-cacbon thơm đa vòng…
Khẩu phần ăn cũng đóng một vai trò quan trọng trong gây ung thư nhưng ngược lại có thể lại làm giảm nguy cơ gây ung thư.
Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy có mối liên quan giữa bệnh ung thư đại trực tràng với chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật. Chế độ ăn nhiều mỡ, thịt gây ung thư qua cơ chế làm tiết nhiều axit mật, chất ức chế quá trình biệt hóa của các tế bào niêm mạc ruột. Các nhà khoa học đã nghiên cứu mối liên quan chặt chẽ tiêu thụ chất béo với ung thư vú. Tỷ lệ tử vong do mắc ung thư vú tăng theo mức tiêu thụ mỡ.
Trong hoa quả và rau xanh thường chứa nhiều vitamin và chất xơ. Các chất xơ làm hạn chế sinh ung thư do chúng thúc đẩy nhanh lưu thông ống tiêu hóa, làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với niêm mạc ruột, mặt khác bản thân chất xơ có thể gắn và cố dịnh các chất gây ung thư để bài tiết theo phân ra ngoài cơ thể.
Các loại vitamin A, C, E trong rau, quả làm giảm nguy cơ ung thư biểu mô, ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư phổi… thông qua quá trình oxy hóa, chống đột biến gen. Đặc biệt các loại rau thơm và rau gia vị với các thành phần chống oxy hóa (carotene, vitamin C…) và các tinh dầu không chỉ kích thích tiêu hóa mà còn hạn chế và ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư.
Vì vậy, ăn uống có liên quan chặt chẽ với bệnh ung thư. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể phòng chống nhiễm các hóa chất gây ung thư trong thức ăn. Việc thực hiện chế độ ăn cân đối hợp lý, tránh thái quá mỡ, thịt động vật, đồng thời tăng cường tiêu thụ trái cây và rau xanh không chỉ là biện pháp dự phòng bệnh ung thư mà còn có thể phòng chống được nhiều bệnh khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.