(HNM) - Mỗi năm cả nước có trung bình hơn 10.000 trường hợp phát hiện ung thư gan, trong đó hơn 80% được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển. Thông thường từ khi phát hiện bệnh, bệnh nhân chỉ có thể sống được thêm từ 1-6 tháng. Tuy nhiên ung thư gan vẫn có thể kiểm soát, nếu được phát hiện sớm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).
- Bác sĩ có thể chia sẻ về thực trạng bệnh ung thư gan tại Việt Nam?
- Ung thư tế bào gan nguyên phát (gọi tắt là ung thư gan) là một bệnh lý khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay, đứng thứ ba trong số các ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong số các bệnh về gan. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong năm 2009, chúng tôi đã khám và điều trị cho hơn 5.000 bệnh nhân bị căn bệnh này. Trong 2 tuần lễ đầu năm 2010, chúng tôi tiếp nhận 97 bệnh nhân mới phát hiện, như vậy trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mới phát hiện ung thư gan đến từ khu vực phía Nam.
- Được biết phần lớn các bệnh nhân ung thư gan ở nước ta chỉ được phát hiện bệnh ở giai đoạn ung thư tiến triển, chỉ sống được 3-6 tháng. Xin bác sĩ cho biết tại sao bệnh nhân thường phát hiện bệnh trễ đến như vậy?
- Gan được bao bọc bởi một lớp màng bụng rất mỏng gọi là bao gan. Chỉ khi nào lớp bao gan này bị căng lên một cách đột ngột hay quá mức thì mới gây cảm giác đau ở vùng dưới sườn bên phải. Bệnh nhân chỉ có cảm giác đau ở vùng dưới sườn bên phải khi các khối ung thư nằm trên bề mặt gan và phát triển nhanh hoặc các khối ung thư phát triển quá lớn. Tuy nhiên, thông thường thì gần như không có triệu chứng gì. Ngoài ra, tại Việt Nam cũng cần lưu tâm đến là vấn đề tầm soát bệnh. Ung thư gan liên quan chặt chẽ với viêm gan siêu vi B hay C, mà tỷ lệ nhiễm virút viêm gan B hay C ở Việt Nam là khá cao. Nhiều bệnh nhân đã biết bị viêm gan siêu vi B hay C, hoặc đang điều trị viêm gan siêu vi B hay C tại các cơ sở y tế trong thời gian dài nhưng không được các bác sĩ cho làm siêu âm để tầm soát ung thư cho đến khi có triệu chứng hoặc tình cờ làm siêu âm thì mới phát hiện ra và có không ít trường hợp khi được phát hiện thì đã quá chỉ định điều trị. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các bệnh nhân được điều trị xơ gan do các nguyên nhân khác như do rượu... Do đó, các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như nhiễm virút viêm gan B hay C, xơ gan... nên làm siêu âm bụng 3 tháng hoặc 6 tháng/lần để phát hiện sớm ung thư gan (nếu có).
- Bác sĩ có thể cho biết những phương pháp nào đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam trong việc điều trị ung thư gan?
- Khác với các loại ung thư khác, hóa trị và xạ trị hầu như không có tác dụng gì đối với ung thư gan. Hiện nay, với căn bệnh này, các phương pháp điều trị chủ yếu được sử dụng tại Việt Nam là phẫu thuật cắt gan, đốt nhiệt cao tần (RFA) và hóa dầu thuyên tắc mạch hay còn gọi là nút mạch (TOCE hay TACE). Phẫu thuật cắt gan là phẫu thuật cắt bỏ phần gan có mang khối ung thư. Đốt nhiệt cao tần (RFA) là thủ thuật dùng sóng có tần số như tần số của sóng radio truyền qua một cây kim cắm vào khối ung thư, tạo hiệu ứng nhiệt tại chỗ làm cho khối u bị phá hủy. Thủ thuật này được áp dụng cho các khối u có kích thước khoảng 3-4cm, số lượng u không quá 3 u, và vị trí các khối u có thể tiếp cận được dưới sự hướng dẫn của siêu âm hay CT scan. Còn hóa dầu thuyên tắc mạch hay nút mạch (TOCE hay TACE) là phương pháp cắt nguồn máu đến nuôi khối ung thư khiến cho khối ung thư bị thiếu máu nuôi và chết khô (từ chuyên môn gọi là hoại tử đông). Phương pháp này được áp dụng cho các khối ung thư được nuôi dưỡng bằng các nhánh của động mạch gan và đã quá chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra bệnh nhân ở giai đoạn ung thư tiến triển có thể sử dụng hoạt chất Sorafenib (tên biệt dược là Nexavar), để làm chậm lại quá trình phát triển của khối u.
- Cảm ơn bác sỹ về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.