Tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng đang tỷ lệ thuận với sự gia tăng của nguy cơ khủng bố mạng.
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, trong bối cảnh biến động địa chính trị đang trở nên phức tạp, các cuộc tấn công mạng diễn ra thường xuyên hơn, táo bạo hơn, gây ra tổn thất từ tài chính đến uy tín cá nhân, tổ chức và thậm chí là ảnh hướng tới sự ổn định của một quốc gia. Điều này đòi hỏi cách ứng phó mang tính toàn cầu chứ không chỉ ở một số quốc gia...
Trong vòng 10 năm gần đây, thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công mạng gây chấn động như vi phạm dữ liệu Yahoo (2013-2014), làn sóng phát tán mã độc tống tiền WannaCry (2017), tấn công chuỗi cung ứng SolarWinds (2020)...
Ngày 5-6 mới đây, hai bệnh viện lớn ở thủ đô London (Anh) là King's College và Guy's & St Thomas đã gặp phải sự cố nghiêm trọng sau một cuộc tấn công mạng khiến các hoạt động cứu chữa - đặc biệt là truyền máu - bị hủy bỏ, khiến nhiều bệnh nhân cấp cứu phải chuyển sang cơ sở y tế khác. Truyền thông Anh cho biết, đây là cuộc tấn công bằng mã độc và các bệnh nhân có thể mất vài tuần mới có được kết quả xét nghiệm y khoa.
Chuyên gia an ninh mạng Steve Sands (Viện Công nghệ thông tin Chartered, Vương quốc Anh) cho biết, mối đe dọa từ các mã độc hiện là “nguy hiểm luôn hiện hữu đối với các tổ chức quan trọng từ trường học đến bệnh viện. Thủ phạm không có lương tâm và chúng sẽ tấn công bất kỳ tổ chức nào có hệ thống phòng thủ mạng không đủ mạnh”.
Một báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, sự ổn định tài chính toàn cầu đang bị đe dọa do tần suất và mức độ phức tạp ngày càng tăng của các cuộc tấn công mạng. Nguy cơ tổn thất nặng nề khiến lĩnh vực tài chính phải đối mặt với nhiều rủi ro khi các hoạt động liên quan đến lượng lớn dữ liệu và giao dịch nhạy cảm. Kể từ năm 2020 đến nay, thiệt hại trực tiếp từ các cuộc tấn công mạng vào lĩnh vực này ước tính lên tới 2,5 tỷ USD. Ngân hàng là mục tiêu đặc biệt và con số tổn thất có thể cao hơn nhiều khi tính tới các tổn thất gián tiếp và thiệt hại về danh tiếng. Hơn nữa, ở phạm trù tài chính rộng lớn hơn, các cuộc tấn công có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống, làm gián đoạn những dịch vụ quan trọng và tạo ra tác động tiêu cực lan sang nhiều lĩnh vực khác.
Theo các chuyên gia công nghệ, khi hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trở thành xu thế toàn cầu, rào cản đối với tác nhân độc hại giảm xuống, khủng bố mạng ngày càng trở thành mối lo đối với nhiều quốc gia. Trộm cắp, thao túng dữ liệu, làm gián đoạn dịch vụ thiết yếu và nhiều hình thức tấn công mạng khác có thể gây ra hậu quả tàn khốc đối với nhiều cá nhân và tổ chức hoặc làm gián đoạn quy trình vận hành của các cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện, bệnh viện và hệ thống giao thông.
Ngoài ra, tội phạm mạng đang khai thác các lỗ hổng bảo mật mới với tốc độ nhanh hơn trước đây. Một ví dụ, tin tặc có thể xâm nhập hệ thống bảo mật của nhà bán lẻ và cài đặt phần mềm độc hại trên thiết bị đầu cuối thanh toán, sau đó thu thập thông tin thẻ của khách hàng. Một trường hợp khác, email lừa đảo đơn giản có thể gửi tới một công ty, xâm phạm thông tin cá nhân của hàng trăm nghìn người. Điều này không chỉ đòi hỏi các tổ chức, đơn vị xây dựng chiến lược phòng thủ cho những cuộc tấn công mạng như một nhu cầu cấp thiết mà còn đặt ra thách thức đặc biệt cho các cơ quan thực thi pháp luật và chính phủ trong việc phát hiện, ứng phó và ngăn chặn loại hình tội phạm này.
Đứng trước nguy cơ tội phạm mạng ngày càng gia tăng, trong cuộc họp Hội đồng Cơ quan an ninh của Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) mới đây, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã cảnh báo rằng, tội phạm mạng đang gây ra mối nguy hiểm lớn nhất. Những kẻ khủng bố và tội phạm mạng sẽ khai thác lỗ hổng, bao gồm lỗ hổng kỹ thuật, pháp lý, chính trị và văn hóa để thực hiện các cuộc tấn công xuyên quốc gia. Một loạt lỗ hổng như vậy chỉ có thể được giải quyết bằng sự hợp tác toàn diện, đòi hỏi nỗ lực cả ở cấp quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương do sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào công nghệ, thiếu các biện pháp pháp lý và thiếu sự hợp tác ở cấp quốc gia và quốc tế đang là trở ngại thực sự trong việc ứng phó hiệu quả trước những mối đe dọa này. Hay nói một cách khác, tình trạng thiếu đồng thuận toàn cầu trong việc ứng phó với khủng bố và tội phạm mạng đang là lỗ hổng lớn nhất khiến an ninh mạng đứng trước nhiều mối lo trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.