(HNM) - Để bảo đảm đủ nước gieo cấy vụ xuân, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ đã triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trước diễn biến sông Nhuệ - Đáy ngày càng thiếu hụt nguồn nước và ô nhiễm, việc xây dựng công trình thay thế nhiệm vụ lấy nước của Trạm bơm Liên Mạc là ứng phó cần thiết.
Vụ xuân 2022, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ đảm nhiệm cấp nước làm đất, gieo cấy, tưới dưỡng cho gần 21.726ha lúa của 8 quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội và tạo nguồn nước tưới cho 7.415ha trong vùng phục vụ của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy, 2.047ha của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam. Mặc dù trong vùng phục vụ có tới 3 dòng sông: Hồng, Nhuệ, Đáy nhưng đơn vị này luôn khó khăn về nguồn nước, đặc biệt là chất lượng nguồn nước.
Theo Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ) Bùi Anh Tuấn, do biến đổi lòng dẫn nên mực nước trên sông Hồng từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau luôn ở mức rất thấp. Trong 2 đợt điều tiết hồ thủy điện vừa qua, cống Cẩm Đình không thể vận hành để đưa nước sông Hồng vào sông Đáy. Còn cống Liên Mạc phải thường xuyên đóng để ngăn nước lưu trong sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng. Đặc biệt, thượng lưu sông Nhuệ, đoạn từ K0 đến K30+800 còn nhiều vị trí bị bồi lắng, chưa được nạo vét, cản trở dòng chảy tới hạ lưu…
Việc thiếu nguồn bổ sung và phải chứa khối lượng lớn nước thải sinh hoạt, làng nghề chưa qua xử lý khiến sông Nhuệ, sông Đáy ngày càng ô nhiễm nên rất cần các doanh nghiệp thủy lợi thành phố có giải pháp khẩn cấp bổ cập, xử lý ô nhiễm nguồn nước. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng cho biết, để cấp đủ nước đổ ải, gieo cấy, tưới dưỡng lúa xuân, đơn vị đã nạo vét khoảng 47.000m3 bùn đất tại các cửa cống lấy nước, bể hút trạm bơm, kênh trục các cấp; lắp đặt 35 trạm bơm dã chiến với 60 máy bơm các loại để cấp nước cho các khu vực khó khăn về nguồn nước. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam vận hành hệ thống Tắc Giang - Phủ Lý lấy nước sông Hồng tiếp cho sông Duy Tiên và sông Nhuệ. Các xí nghiệp thủy lợi trực thuộc kịp thời vận hành công trình lấy nước khi xuất hiện triều cường trên các sông: Hồng, Đáy, Châu Giang để tích trữ vào hệ thống kênh, đầm, hồ, ao, ruộng trũng... Tính đến ngày 4-2, công ty đã cấp đủ nước cho 98,51% diện tích gieo cấy của huyện Phú Xuyên, 88,33% diện tích của huyện Ứng Hòa, 68,64% diện tích của huyện Thường Tín…
Ngoài giải pháp trước mắt của doanh nghiệp thủy lợi, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư xây dựng cụm công trình thủy lợi đầu mối thay thế nhiệm vụ của cống Liên Mạc giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, trong thời gian chờ thực hiện dự án trên, doanh nghiệp thủy lợi và người dân các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên... rất mong UBND thành phố cho phép lắp đặt bơm dã chiến thay thế một phần nhiệm vụ của cống Liên Mạc để thích ứng thiếu hụt nguồn nước, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường...
Liên quan việc này, ngày 24-1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo lắp đặt khẩn cấp bơm dã chiến tại khu vực cống Liên Mạc để thích ứng với tình trạng công trình không thể vận hành do mực nước sông bị hạ thấp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.