Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu pin năng lượng mặt trời đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Ngày 27-12, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm "Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời".
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Thanh Hải, chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, trên thị trường thế giới tấm pin năng lượng mặt trời đang được sử dụng rộng rãi, với công nghệ chế tạo phát triển rất nhanh, hiệu suất ngày càng cao.
Trung Quốc là nước vừa nghiên cứu phát triển công nghệ, vừa sản xuất sản phẩm này. Thị trường nhập khẩu lớn là Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ… Năm 2023, Hoa Kỳ đã lắp đặt 430 GW và năm 2024 đạt khoảng 550 GW. Tương tự là Ấn Độ và Trung Quốc trong năm 2023 và 2024 lắp đặt hàng trăm GW tấm pin năng lượng mặt trời.
Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, bắt kịp xu hướng phát triển năng lượng xanh trên toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), từ năm 2021 Cục đã đưa mặt hàng pin năng lượng mặt trời vào danh sách cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Hiện mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Việt Nam đã bị 3 nước điều tra phòng vệ thương mại là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Trong đó, Hoa Kỳ đã điều tra 3 biện pháp phòng vệ thương mại với pin năng lượng mặt trời sản xuất tại Việt Nam, là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, đồng thời điều tra mở rộng chống lẩn tránh các biện pháp trên.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ cho biết, nhu cầu sử dụng pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ rất lớn với giá trị nhập khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Đồng thời chính sách hỗ trợ lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời với hộ dân của Chính phủ Hoa Kỳ khá linh hoạt, trong khi sản phẩm này của Việt Nam có chất lượng, giá cả, mẫu mã phù hợp.
“Tuy nhiên, pin năng lượng mặt trời là mặt hàng xuất khẩu khá hiếm ở Việt Nam có liên quan đến tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ áp dụng”, ông Hưng cho biết.
Việc phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại đã gây khó khăn lớn cho ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời trong nước. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhằm giảm rủi ro và tăng lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục duy trì cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương đào tạo, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại.
Cùng với đó, cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp khi xảy ra các vụ việc phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước trước các cáo buộc thiếu chính xác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.