Góc nhìn

Ứng phó chủ động với thời tiết cực đoan

Bắc Vũ 12/06/2024 - 06:17

Những ngày qua, nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Thái Nguyên… đã hứng chịu đợt mưa với cường độ lớn.

Đợt mưa lần này không chỉ gây ra lũ lụt ở nhiều khu vực miền núi, nhiều đô thị lớn như thành phố Hạ Long, Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang), thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), khu vực nội thành thành phố Hải Phòng… cũng ngập sâu trong nước, giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Với đặc thù đô thị, có thể thấy, tình trạng ngập lụt trên những tuyến phố ở các địa phương kể trên khá tương đồng với nhiều tuyến phố ở Hà Nội khi xảy ra mưa lớn trong thời gian ngắn. Vấn đề cần quan tâm là so với Hà Nội, các thành phố trên có quy mô đô thị tương đối nhỏ, lại nằm ở những vị trí được coi là có thể thoát nước khá thuận lợi, nhưng vẫn đối mặt với tình trạng "phố thành sông" khi xảy ra mưa lớn.

Dù xuất phát từ nguyên nhân khách quan hay chủ quan, thì việc để xảy ra tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn là vấn đề đáng phải quan tâm, đặt ra cho cơ quan có thẩm quyền nhiệm vụ là tìm kiếm giải pháp giảm thiểu thiệt hại.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình thời tiết, khí hậu trong thời gian tới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ngay sau đợt mưa lớn vừa kết thúc, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 14 đến 17-6, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, trong đó có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ, cường suất cao 100-150mm/24 giờ.

Như vậy có thể thấy, xu hướng mưa lũ lớn đang có dấu hiệu quay trở lại sau thời gian dài nắng nóng, hạn hán gay gắt. Nói cách khác, hình thái La Nina (mưa nhiều, lũ lớn) đang thay thế hình thái El Nino (nắng nóng, hạn hán). Với xu thế này, nửa cuối năm nay, dự báo cuối mùa hè và mùa thu sẽ bắt đầu xuất hiện các hiện tượng thiên tai do tác động của La Nina, dẫn đến mưa nhiều, lũ lớn. Việc La Nina xuất hiện vào cuối năm sẽ trùng với thời điểm mùa mưa bão, do đó sẽ có khả năng xuất hiện mưa lũ nhiều vào giai đoạn cuối năm.

Vấn đề các địa phương cần lưu ý hiện nay là tập trung theo dõi sát tình hình, diễn biến của thiên tai, tăng cường khả năng dự báo để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa và phù hợp với đặc thù từng khu vực, địa phương. Trong đó, đối với khu vực đô thị như Hà Nội, bài toán thoát nước khi xảy ra mưa lớn trong thời gian ngắn là vô cùng nan giải.

Có nhiều vấn đề đặt ra, nhưng giải pháp quan trọng nhất vẫn là thực hiện quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước cần bảo đảm đồng bộ, khoa học, trong đó cần tính đến những yếu tố khách quan (mưa lớn trong thời gian ngắn; khu vực dân cư đông đúc; đô thị quy mô lớn…) và những yếu tố chủ quan (quy hoạch đồng bộ hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư; đầu tư và quản lý hạ tầng thoát nước, tiêu úng; ý thức của người dân trong kiểm soát chất thải…).

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, xuất hiện nhiều trận mưa lớn cục bộ, gây nguy cơ úng ngập đô thị và lũ lụt, sạt lở đất, các địa phương cần quan tâm rà soát những điểm nóng về thiên tai; từ đó, dự báo kịp thời, triển khai các biện pháp đề phòng, ứng phó, đặc biệt là với các tình huống có thể xảy ra vào ban đêm.

Hơn hết, mỗi người dân cần trang bị những thông tin cần thiết để chủ động ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm như lũ lụt, hạn hán.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó chủ động với thời tiết cực đoan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.