Nông thôn mới

Đổi thay ở vùng quê Khu Cháy anh hùng

Bạch Thanh 02/09/2023 - 09:14

Đi dọc các xã thuộc địa phận An toàn khu Khu Cháy và các địa phận vành đai bảo vệ năm xưa, gồm các xã như: Đồng Tân, Trung Tú, Trầm Lộng, Đông Lỗ… của huyện Ứng Hòa và một số vùng lân cận, ai cũng nhận thấy sự thay da, đổi thịt rõ rệt ở một vùng quê anh hùng.

Từ một mảnh đất bị giặc tàn phá, quanh năm đồng lầy, nước lụt, giờ đã hồi sinh, bát ngát màu xanh nhựa sống. Làng quê đã mang dáng dấp phố thị, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; kinh tế nông nghiệp, dịch vụ phát triển…

khu-chay.jpg
Diện mạo khang trang tại xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Sơn Tùng

Miền quê của những chiến công vẻ vang

Lật giở từng trang lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Trầm Lộng Đinh Quang Huy cho biết, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Trầm Lộng là căn cứ kháng chiến của Khu Cháy kiên cường, thuộc tỉnh Hà Đông (cũ); đồng thời, còn là nơi trú quân để củng cố lực lượng của ta… Những năm 1939-1945, Trầm Lộng đã nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ và Tỉnh ủy Hà Đông, như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười...

Đặc biệt, tại chùa Chòng, thôn Trầm Lộng, sáng 17-8-1945, đồng chí Đỗ Mười đã đọc Quân lệnh khởi nghĩa, huy động lực lượng quần chúng từ khắp nơi kéo về đánh chiếm phủ đường, làm chủ phủ lỵ Ứng Hòa. Ngày 18-8-1945, nhân dân xã Trầm Lộng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại chùa Chòng.

Còn theo Trưởng thôn Tảo Khê (xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa) Đỗ Đặng Lanh, mỗi ngôi nhà, ngõ xóm đến đình, chùa… của địa phương đều in dấu lịch sử của một giai đoạn cách mạng hào hùng. Khi vùng Nam Ứng Hòa trở thành An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ, chùa Tảo Khê là một trong những địa điểm bảo vệ đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ du kích trong thời gian địch chiếm đóng…

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho hay, từ năm 1934, Ứng Hòa đã có những quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng. Đến tháng 2-1938, Chi bộ Tảo Khê ra đời và là chi bộ đầu tiên của huyện Ứng Hòa, trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng phía Nam tỉnh Hà Đông. Năm 1942, vào thời điểm sóng gió của phong trào cách mạng cả nước, các xã phía Nam huyện Ứng Hòa trở thành An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân Ứng Hòa còn được cả nước biết đến với địa danh Hòa Xá - quê hương của phong trào “chiếc gậy Trường Sơn”, “chiếc nhẫn chung thủy”. Những phong trào này đã thôi thúc lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường đánh Mỹ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những thành tích đáng tự hào trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Ứng Hòa cùng 11 xã đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Miền quê đáng sống đang hiện hữu

Con đường Hoàng Quốc Việt nối tỉnh lộ 426 với đường trục phát triển phía Nam Thủ đô, chạy qua địa phận xã Trầm Lộng mới được khánh thành và đưa vào sử dụng, với tổng kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 180 tỷ đồng, đã giúp cho giao thông, giao thương ở khu vực này được thuận lợi hơn. Diện mạo nông thôn mới ở Trầm Lộng đã thay da, đổi thịt và có cơ hội bứt phá. Trong thời gian tới, khi dự án bảo tồn, phát triển An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ được đầu tư, lấy chùa Chòng là trung tâm kết nối với các di tích lịch sử trong vùng, sẽ mở ra nhiều hướng phát triển du lịch cho địa phương.

Trong phát triển kinh tế, với mô hình nuôi cá “sông trong ao”, xã Trầm Lộng đã đi đầu cả huyện, mở hướng làm giàu cho nhiều hộ dân. Ông Đinh Quang Lĩnh, một trong những hộ đầu tiên của xã áp dụng thành công mô hình nuôi trồng thủy sản “sông trong ao” chia sẻ, sự hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan chức năng và hạ tầng giao thông ngày một được hoàn thiện đã giúp cho việc tiêu thụ thủy sản của địa phương thuận lợi hơn nhiều. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng cao.

Hay như xã Đông Lỗ, một xã khó khăn của Khu Cháy khi xưa, nay cũng ngày càng đổi mới, phát triển. Tản bộ dưới những hàng cây cổ thụ xanh mát, đi qua những di tích lịch sử đã được tôn tạo khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, mới thấy cuộc sống an lành, hạnh phúc của miền quê đáng sống đang hiện hữu nơi đây. Một trong những gia đình tiêu biểu chung tay xây dựng miền quê Đông Lỗ giàu đẹp, văn minh phải kể tới là gia đình ông Đào Đức Chính, ở thôn Viên Đình, đã ủng hộ gần 500 triệu đồng làm sân đá bóng, xây cầu, sửa chữa sân vận động... Theo Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ Dương Văn Sửu, trong những năm qua, nhân dân địa phương rất tích cực tham gia kiến thiết quê hương, chung sức xây dựng các thôn xóm ngày càng giàu đẹp, văn minh…

Còn xã Đồng Tân, nơi vinh dự được chọn đặt Tượng đài Khu Cháy, nay cũng có nhiều đổi thay đáng kể. Nhà có số, đường có hoa; các trường học đều được đầu tư xây mới. Trong những ngày này, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các thôn, xóm, làm cho vùng quê cách mạng Đồng Tân thêm sức sống mới. Xã Đồng Tân đang phấn đấu cán đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, diện mạo nông thôn ở Khu Cháy nói riêng và huyện Ứng Hòa nói chung đang khởi sắc từng ngày. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 300km đường liên xã, liên thôn được thảm nhựa, đổ bê tông; 56km đường trục nội đồng kết hợp kênh mương tưới tiêu được cải tạo, nâng cấp, giúp người dân đi lại thuận tiện. Đồng thời, huyện cũng lắp đặt mới 117km đường dây điện trung thế, hạ thế và cải tạo 234km đường dây điện trung thế, hạ thế khác... Những đổi thay đó đã, đang góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Khu Cháy cũng như trên toàn địa bàn huyện Ứng Hòa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở vùng quê Khu Cháy anh hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.