(HNMO)- Ngày 10-4, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và dự thảo báo cáo tổng kết bước 2 thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
Tại hội thảo, lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương đã công bố tờ trình Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị do Bộ Nội vụ soạn thảo. Đề án đề xuất 3 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị như sau: Phương án 1-Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước; Phương án 2-Thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, xã, thị trấn trong cả nước (mở rộng phạm vi so với phương án 1); Phương án 3- Tổ chức chính quyền đô thị áp dụng thiết chế tòa thị chính và thị trưởng.
Căn cứ ưu điểm, hạn chế và điều kiện thực hiện của 3 phương án trên, Ban Cán sự đảng bộ Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện phương án 1 vì các lý do: Phù hợp hệ thống chính trị của một Đảng cầm quyền ở nước ta, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với chính quyền các cấp; phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng và thích hợp của hệ thống chính trị địa phương theo lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng; kế thừa kinh nghiệp tổ chức chính quyền đô thị nước ta theo Hiến pháp 1946,1959 và các yếu tố hợp lý trong tổ chức chính quyền đô thị ở nhiều nước; thực tiễn và kết quả tích cực của việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết 26/2008/QH12 của Quốc hội là cơ sở bảo đảm cho việc thực hiện thành công phương án 1.
Dự thảo tờ trình về báo cáo tổng kết bước 2 thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường của Ban Cán sự đảng Chính phủ được công bố tại hội thảo đã cho thấy: Thực tiễn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 67 huyện, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ từ tháng 4-2009 đến nay cho thấy kết quả tích cực đạt được là chủ yếu. Tuy vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, nhưng những kết quả đạt được trên thực tế đã khẳng định chủ trương, vướng mắc, nhưng những kết quả đạt được trên thực tế đã khẳng định chủ trương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện thí điểm đã góp phần tinh gọn bộ máy nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện thí điểm đều đề nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để mở rộng việc thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ra phạm vi cả nước; đồng thời theo kết quả điều tra thăm dò dư luận xã hội cho thấy đa số đều cho rằng nên sửa đổi các quy định trong Hiến pháp năm 1992 theo hướng không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (số ý kiến đồng ý tại những địa phương đang thực hiện thí điểm chiếm 79%; tại những địa phương không thực hiện thí điểm chiếm 70%).
Tại hội thảo, hầu hết đại biểu ủng hộ phương án không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thẳng thắn trao đổi các ý kiến xung quanh các vấn đề: về việc thí điểm thực hiện đề án; về tên gọi của cơ quan hành chính các cấp ở địa phương; về việc áp dụng mô hình “chính quyền chùm đô thị” đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; về thị xã thuộc thành phố trực thuộc TƯ…
Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: Mục đích của việc góp ý hoàn thiện 2 Dự thảo này là để kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Do đó, cần thận trọng trong việc dùng từ ngữ, nêu rõ các khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính; đồng thời, dự thảo phải vừa mang tính khoa học, vừa phù hợp thực tiễn, có tính thuyết phục cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.