Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng quản lý và điều hành giao thông thông minh: Hướng phát triển tất yếu

Tuấn Lương| 07/04/2017 07:11

(HNM) - Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng thành phố giao thông thông minh, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông, chỗ đỗ xe...


Hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Ảnh: Anh Tuấn


Từ kinh nghiệm quốc tế

Giao thông Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do quá trình đô thị hóa, đặc biệt là vấn đề về ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Hệ thống giao thông thông minh (ITS) đã được lãnh đạo TP Hà Nội nhìn nhận là một trong những chủ trương phát triển của thành phố. Tuy nhiên, do sự phát triển ITS của Hà Nội vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, việc có một góc nhìn tổng thể, một định hướng phát triển đúng đắn và bền vững cho ITS Hà Nội là rất cần thiết.

Theo các chuyên gia của Trường Đại học Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội, hệ thống ITS giúp cung cấp nhiều giải pháp khác nhau nhằm nâng cao chất lượng đi lại trên tất cả các loại hình giao thông; cung cấp các giải pháp giảm ùn tắc giao thông thông qua các kế hoạch di chuyển tốt hơn, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho người tham gia giao thông, giải quyết các vấn đề xảy ra trên thực tế nhanh chóng hơn; giảm thiểu các tác động xấu của giao thông đến môi trường thông qua tối ưu hóa di chuyển, giảm ùn tắc và tai nạn, nâng cao chất lượng phương tiện cũng như hệ thống quản lý; giảm mức độ thương vong do tai nạn giao thông qua hệ thống cảm biến, cảnh báo, thiết bị an toàn giao thông; nâng cao chất lượng quản lý cơ sở hạ tầng giao thông...

Tại Nhật Bản, các ứng dụng ITS rất đa dạng, nhưng nổi bật nhất là hệ thống tích hợp phương tiện và hạ tầng giao thông (VICS) và hệ thống thu phí đường bộ ETC. Hệ thống VICS đã được trang bị cho trên 35 triệu xe ô tô, góp phần làm giảm 2,4 triệu tấn khí thải CO2. Còn hệ thống thu phí đường bộ ETC đạt tỷ lệ sử dụng 87% với khoảng 39 triệu xe, giảm đáng kể tình trạng ùn tắc trên đường cao tốc (30%)... Trong khi đó, Trung Quốc lại chọn cách đi không phải chờ hoàn thành cơ sở hạ tầng rồi mới phát triển ITS. Ở giai đoạn đầu phát triển ITS (từ năm 2000 đến năm 2010), gần như các dự án ITS đều do Chính phủ và các đơn vị vận hành hệ thống đường cao tốc thực hiện. Trong giai đoạn 10 năm tiếp theo (từ năm 2010 đến năm 2020), Trung Quốc hy vọng phần lớn thị phần ITS sẽ được triển khai theo thị trường, thông qua các ngành công nghiệp ITS thay thế.

Những gợi mở cho Hà Nội

Ứng dụng ITS hiện nay tại Hà Nội chủ yếu được triển khai thông qua hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông (Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu thuộc Phòng CSGT Hà Nội), hệ thống camera giám sát giao thông, tủ điều khiển. Bên cạnh đó, một số trung tâm điều hành ứng dụng ITS đã được triển khai tại một số đường và cao tốc trọng điểm, như đường Vành đai 3, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...

Tuy nhiên, các ứng dụng này mới chỉ dừng ở mức độ khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào các ứng dụng điều hành giao thông thông thường, mức độ tự động hóa chưa cao. Mặc khác, về phía người dân, do đặc thù đa số người tham gia giao thông sử dụng xe máy, nên khả năng tiếp cận được các thông tin về tình hình giao thông trực tuyến theo thời gian thực là rất khó. Đây cũng là trở ngại lớn cho hiệu quả của việc triển khai các hệ thống ITS.

Nhóm chuyên gia do TS Hoàng Minh Tùng (Trường Đại học GT-VT Hà Nội) chủ trì cho rằng, với đặc thù Hà Nội, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng ITS thông qua triển khai các hệ thống ứng dụng tự động về thu phí, kiểm soát tải trọng, kiểm soát khí thải; nâng cấp các trung tâm quản lý, điều hành giao thông hiện nay; nâng cấp hệ thống dữ liệu thông tin, điều khiển và hỗ trợ xử lý vi phạm giao thông (theo thời gian thực).

Trong đó, đặc biệt cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thiết kế, điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại các nút hiện nay; tăng cường các loại nút ITS có chu kỳ điều khiển thay đổi phù hợp với lưu lượng, hay là tổ chức điều khiển đèn tín hiệu liên thông trên một trục đường, tiến tới là toàn mạng lưới; triển khai các ứng dụng cho phép cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông tại các "điểm đen" giao thông, các khu vực có cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, khu vực dân cư và các khu vực có tính chất đặc biệt.

Để giải quyết vấn đề giao thông hỗn hợp của Thủ đô, các chuyên gia thuộc Công ty ST Electronics (Singapore) đề xuất thành lập trung tâm quản lý điều hành chung thuộc UBND thành phố và 2 trung tâm nhỏ trực thuộc. Trung tâm thứ nhất là trung tâm giám sát, xử phạt và an ninh giao thông đô thị, do CSGT Hà Nội quản lý, thực hiện các chức năng: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông, cấp cứu người bị nạn, giải quyết tai nạn giao thông...

Trung tâm thứ hai, quản lý và điều khiển giao thông, do Sở GT-VT quản lý, có nhiệm vụ giám sát và cung cấp thông tin tình trạng giao thông, tổ chức giao thông, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông, quản lý giao thông công cộng và taxi, quản lý và giám sát đỗ xe, giám sát xe tải nặng, ứng phó với các tình huống khẩn cấp, thanh toán vé điện tử giao thông công cộng và đỗ xe, quản lý hạ tầng và lưu lượng giao thông, tiếp nhận thông tin từ người tham gia giao thông, lưu trữ dữ liệu và nghiên cứu phát triển mạng lưới... Hai trung tâm này thu thập thông tin từ cùng một hệ thống thiết bị hiện trường và được phân loại trước khi gửi đến cơ quan xử lý trực tiếp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng quản lý và điều hành giao thông thông minh: Hướng phát triển tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.