Thuật ngữ laser là chữ viết tắt của các từ Light Amplication by Stimulated of Radiation, có nghĩa là “Nguồn sáng khuếch đại bức xạ cưỡng bức”. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, nhiều nhà bác học đã đề xuất và nghiên cứu về tính chất này của laser nhưng mãi đến năm 1960, lý thuyết về laser mới chính thức được công bố.
Mổ mắt bằng phương pháp laser tại Bệnh viện Bưu điện
Laser là nguồn ánh sáng đơn sắc có độ chói sáng và định hướng rất cao. Hiện tại có 3 loại laser chính (môi trường hoạt tính thể rắn, thể lỏng và thể khí) và người ta đã tạo ra được 500 loại laser khác nhau với nhiều ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Được sử dụng trong y học từ năm 1963, laser lúc đầu được dùng để hàn bệnh bong võng mạc và dần dần được dùng trong hầu khắp các chuyên khoa. ở Việt Nam, khoảng năm 1976-1977, các thiết bị laser đã xuất hiện, song do đây là một phát kiến mới, nên khả năng tiếp cận của nước ta còn hạn chế, có lúc nó gần như bị lãng quên. Mãi đến năm 1981, laser mới được “hồi sinh” và được ứng dụng trong công tác điều trị.
Laser được dùng trong y học là do 3 hiệu ứng chính sau. Thứ nhất là hiệu ứng bay hơi tổ chức. Do bức xạ nhiệt của chùm tia laser, làm cho các tổ chức (tissu) bị bốc hơi, tạo thành những vết cắt. Những vết cắt này rất nhỏ, ít chảy máu và ít tổn thương các tổ chức lành xung quanh. Vì vậy laser được dùng làm dao mổ. Laser là dao mổ tinh tế nhất, an toàn và vô trùng nhất (với nhiệt độ từ 1.200-1.700 độ thì không một loại vi khuẩn nào tồn tại được), đa năng nhấtvì nó có thể can thiệp vào mọi phẫu thuật phức tạp, khó khăn (các hốc sâu, nhỏ, các tổ chức quan trọng như não, tủy sống…) mà lưỡi dao mổ thông thường không thể can thiệp được. Ngoài ra, dao mổ laser còn có các ưu điểm sau: giảm hoặc không cần thuốc tê, mê; không có sự tiếp xúc giữa dụng cụ và đường rạch (vô trùng tuyệt đối); cầm máu tốt với các huyết quản nhỏ; giảm phù nề, xung huyết và tiết dịch; “đường rạch” bị chấn thương rất ít. Thứ hai là hiệu ứng quang đông. Do bức xạ nhiệt, các tổ chức sống bị đông vón lại. Vì vậy dao mổ laser có tác dụng cầm máu, hàn bong võng mạc và đặc biệt trong thủ thuật nội soi người ta đã dùng nó để vừa chẩn đoán vừa điều trị. Thứ ba là hiệu ứng kích thích sinh học. Loại laser có năng lượng thấp có tác dụng chống viêm, kích thích tái tạo tổ chức, chống sẹo lồi, tăng khả năng miễn dịch, điều chỉnh thể dịch và hormon, giải dị ứng, chống hiện tượng đột biến của tế bào, tăng hoạt tính của các men. Hiệu ứng này còn được dùng thay cho kim châm cứu và được coi là cây kim vô trùng nhất.
Đã có nhiều người đặt câu hỏi: Việc sử dụng tia laser có nguy hại không? Thực tế hơn 1/4 thế kỷ qua, laser được sử dụng rất nhiều trong các lĩnh vực, đặc biệt là y học nhưng cho đến nay chưa có một bản báo cáo nào chứng tỏ rằng người điều khiển nguồn laser và các đối tượng được điều trị bằng tia laser bị bệnh nghề nghiệp và các bệnh tương tự như khi dùng các chất phóng xạ. Để chứng minh cho sự an toàn của laser, năm 1981, D.B Apfebres đã dùng laser Argon và CO2 chiếu liên tục cho 9 thế hệ chuột sau đó lấy chuột ở thế hệ thứ 9 để làm tiêu bản cho toàn bộ các tổ chức và kiểm tra rất chi tiết bằng các phương tiện hiện đại nhưng không phát hiện ra một sự phát triển bất thường nào của tế bào. Viện sỹ D.K. Skobenskin đã điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân và đã theo dõi họ liên tục trong 9 năm cũng không phát hiện ra một trường hợp nào do điều trị bằng laser mà bị u ác tính. Vì vậy có thể khẳng định rằng việc sử dụng laser trong y học là an toàn và vô hại hơn bất kỳ một loại tia phóng xạ nào.
Ở nước ta, tia laser mới thực sự được áp dụng trong y học từ năm 1981 nhưng nó được áp dụng trong khá nhiều chuyên khoa như mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, ngoại khoa, nội khoa và da liễu. Tin rằng với hiệu quảcao, trong thời gian tới laser sẽ được ứng dụng ngày càng rộng rãi và đóng góp nhiều vào thành quả của nền y học nước nhà.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.