(HNM) - Tại Hội nghị
1.700 tỷ đồng cho giao thông thông minh
Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS) thuộc Tập đoàn FPT cho biết, xây dựng bản đề án này, FPT chọn cách tiếp cận đưa các dịch vụ thông minh để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng hạ tầng. FPT cam kết chi đầu tư 1.700 tỷ đồng, đề xuất theo mô hình cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Cụ thể, FPT sẽ chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống, bảo đảm vận hành, bảo trì, bảo dưỡng…
Để giải bài toán giao thông thông minh, trên thế giới có nhiều nước thực hiện với các phương thức khác nhau. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới, người dân sử dụng ô tô và phương tiện công cộng để đi lại, thì ở Việt Nam xe máy được sử dụng gấp nhiều lần so với ô tô. Đây chính là một trong những khó khăn cho việc giải bài toán giao thông Hà Nội.
Vì vậy, bên cạnh việc thành phố cần bảo đảm chất lượng hạ tầng giao thông, phát triển phương tiện giao thông công cộng thì cũng cần có cơ chế để giảm nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, FPT cho rằng, trước hết cần bắt đầu từ việc cung cấp các dịch vụ công qua mạng, thực hiện giao, trả tại nhà. Thứ hai là xây dựng việc đưa đón tin cậy, an toàn cho học sinh. Thứ ba là chỉ xây dựng một trung tâm điều hành taxi thông minh (thay thế cho mỗi hãng có một bộ phận điều hành như hiện nay) chịu trách nhiệm dự báo, tính toán được nhu cầu đi lại của người dân ở những khoảng thời gian, địa điểm cố định nào đó trong thành phố để tránh tình trạng tài xế chạy lòng vòng bắt khách, gia tăng áp lực lên hệ thống đường sá. Thứ tư, thực hiện thu phí đỗ xe theo giờ (Hà Nội đang thí điểm) với phương châm thu phí lũy tiến sau 1 giờ gửi xe; tiếp sau đó sẽ thực hiện thu phí phương tiện đi vào một số tuyến đường nội đô.
Xây dựng bản đồ giao thông số
Hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội được FPT đề xuất đáp ứng yêu cầu về 10 chức năng. Cụ thể gồm: Hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước; hệ thống quản lý về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; hệ thống an ninh thông minh; hệ thống quản lý, giám sát ô nhiễm môi trường giao thông; hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô theo hình thức tự động không dừng; hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh; hệ thống bảo mật và an toàn dữ liệu.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, ngay trong năm 2017 (dự kiến vào ngày 2-9-2017), Công ty Hệ thống thông tin FPT sẽ triển khai và đưa Hệ thống thông tin giao thông vào vận hành phục vụ cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và du khách. Trong đó, đáng chú ý, FPT sẽ đưa vào vận hành “bản đồ giao thông Hà Nội” (bản đồ giao thông số) gồm: Bản đồ nền giao thông Hà Nội, cung cấp công cụ tìm đường, phân luồng cho các tuyến phố...
Bản đồ giao thông số cũng sẽ cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng theo thời gian thực như thông tin điểm dừng, nhà chờ, bến bãi, tuyến hoạt động... Hành trình vận tải trên bản đồ giao thông của vận tải hành khách công cộng bao gồm: Vận tải bằng xe buýt, vận tải bằng đường sắt nội đô, vận tải bằng xe có hợp đồng.
Đồng thời, cung cấp các thông tin tiện ích về các cơ sở dịch vụ công, cơ sở y tế, giáo dục, thông tin về văn hóa và du lịch; ngoài ra còn có các thông tin tiện ích khác như trạm xăng, siêu thị, chợ, an ninh an toàn (thông tin về an ninh và an toàn cháy nổ). Đặc biệt, có tính năng cung cấp công cụ tương tác tự động với người dân, doanh nghiệp và du khách thông qua việc sử dụng Chat-Bot có ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.