Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng đề tài khoa học trong điều trị bỏng

Vân Nga| 06/08/2011 06:41

(HNM) - Cùng với chăm sóc và điều trị, việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) mới và ứng dụng trong điều trị bỏng hiện đang được quan tâm đầu tư ở Viện Bỏng quốc gia.

Chăm sóc trẻ bị bỏng tại Viện Bỏng Lê Hữu Trác (Viện Bỏng quốc gia). Ảnh: Linh Tâm


Giữ vốn quý thuốc cổ truyền
Trên cơ sở cách dùng lá sến để đắp trị vết bỏng lưu truyền trong dân gian, hơn 10 năm nay Viện Bỏng quốc gia đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất thuốc Cao lá sến (Maduxin) với đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, hiệu quả chữa trị và bài thuốc cổ truyền đã trở thành thuốc điều trị "chủ lực" tại Viện. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu lá sến không sẵn có, thu hoạch theo mùa và ngày càng hiếm dần do diện tích rừng bị thu hẹp, nên Viện Bỏng đã tiếp tục nghiên cứu và tìm đến một nguồn nguyên liệu mới có thể thay thế là cỏ lào. Cỏ lào vốn mọc hoang rất nhiều ở một số tỉnh miền Trung, trước đây chỉ có tác dụng làm phân xanh.

Nhưng qua tháng ngày miệt mài nghiên cứu của các nhà khoa học, cỏ lào đã trở thành nguyên liệu của thuốc Eupoline, điều trị bỏng rất hiệu quả, đồng thời còn có tác dụng chống viêm, phù nề. Đặc biệt, thuốc Eupoline (mạnh hơn Maduxin) do Viện chế tạo đã được nước Anh và Đức đặt hàng. Còn thuốc Maduxin của Viện cũng đã được Phòng thí nghiệm Đại học Oxford kiểm nghiệm và đánh giá rất tốt. Ngoài ra, Viện cũng đã nghiên cứu thành công các vật liệu thay thế da tạm thời trong điều trị vết thương, vết bỏng, như: da ếch đông khô; màng chitosan, polysan làm từ vỏ tôm, cua, cá phế liệu; đặc biệt là sản phẩm trung bì da lợn… góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bỏng nặng.

Phát triển công nghệ cao
Không chỉ nghiên cứu, kế thừa các bài thuốc y học dân tộc cổ truyền, hiện nay Viện Bỏng đặc biệt quan tâm tới việc chuyển giao công nghệ hiện đại ứng dụng trong điều trị. Những năm gần đây Viện đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học, coi đây là hướng đi mới trong điều trị cứu sống hàng ngàn người bệnh. Một trong những nghiên cứu đó là nuôi cấy nguyên bào sợi điều trị vết thương, vết bỏng. Tuy trên thế giới công nghệ này không mới, đã có những thành công nhất định từ nhiều năm nay nhưng do giá thành sản phẩm quá đắt nên số bệnh nhân được ứng dụng kỹ thuật này tại các trung tâm lớn trên thế giới không nhiều. Vì vậy, các nhà khoa học Viện Bỏng đã triển khai nghiên cứu theo hướng mới, tìm ra loại vật liệu làm giá đỡ tế bào vừa phù hợp lại rẻ tiền hơn. Thành công trong việc nuôi cấy nguyên bào sợi dùng tấm Tegaderm (một loại vật liệu điều trị vết thương thông thường) không chỉ phục vụ điều trị bỏng mà còn là chìa khóa để điều trị thành công hàng trăm vết thương mạn tính, đặc biệt loét bàn chân do tiểu đường... Giá thành sản phẩm này chỉ với 300.000 đồng/100cm2, thấp hơn 40-50 lần so với các sản phẩm tương tự trên thế giới (600 - 800 USD/1 đơn vị tương đương tại các nước).

GS.TS Lê Năm cho biết, trong thời gian tới, Viện sẽ đưa sản phẩm này vào sử dụng rộng rãi trong điều trị bỏng, đặc biệt là điều trị các vết thương mạn tính. Đây là kết quả của đề tài NCKH cấp Nhà nước, thuộc Chương trình KC10 do Bộ KH&CN đầu tư. Chương trình cũng đã giúp thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi cấy tế bào sừng trong môi trường không huyết thanh trên màng nền collagen. Đây là loại tế bào quan trọng, có tính chất quyết định cho sự liền vết thương. Đặc biệt đối với bệnh nhân bỏng sâu, bỏng diện rộng thì đây là giải pháp quan trọng để cứu sống họ. Kết quả ứng dụng bước đầu ở 31 bệnh nhân cho thấy sản phẩm nuôi cấy tế bào sừng thành công. Viện đang tiến hành hợp tác với Singapore trong việc chuyển giao công nghệ này. Sau thành công của việc nuôi cấy nguyên bào sợi và tế bào sừng, các nhà khoa học của Viện đang tiếp tục thử nghiệm nuôi cấy và cấy ghép tế bào giác mạc.

Với những nỗ lực và thành công vượt bậc trong nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, Viện Bỏng quốc gia đã được Nhà nước đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ cao, trị giá 16 tỷ đồng. Đây là cơ sở quan trọng để Viện phát triển các nghiên cứu khoa học mới mang tính ứng dụng cao; tiến xa hơn nữa là tiền đề quan trọng cho ngân hàng mô, tạng trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng đề tài khoa học trong điều trị bỏng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.