Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm: Chìa khoá để làng nghề hội nhập quốc tế

Nguyễn Mai| 26/08/2022 12:31

(HNMO) - Ngày 26-8, tại tỉnh Bắc Ninh, Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức hội thảo “Tư vấn nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề”.

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề phát triển đa dạng với khoảng 50 nhóm nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động. Sản phẩm làng nghề Việt Nam đã xuất khẩu sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Tuy vậy, các làng nghề Việt Nam còn đối diện với rất nhiều khó khăn trong phát triển bởi quy mô nhỏ lẻ, phần lớn sản xuất thủ công. Đặc biệt, những năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề nhiều thời điểm bị gián đoạn, đứt gãy. Hơn nữa, xu hướng hội nhập, các làng nghề phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt.

Tại hội thảo, nhiều tham luận cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cho các làng nghề Việt Nam tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để tiến nhanh, vững chắc. Đây cũng là một cách thức để gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Khách tham quan, mua sản phẩm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông).

Chia sẻ cách làm ở làng luạ Vạn Phúc (Hà Đông), ông Phạm Khắc Hà cho biết, trước khó khăn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động chuyển hướng kinh doanh điện tử, tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm. Đơn cử như cách làm của Cơ sở sản xuất kinh doanh lụa Lan Sơn, Phương silk, Phúc Hưng, Phong Thư silk… Các cơ sở này đã thành lập nhóm bán hàng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… liên kết hơn 100 hộ gia đình trong làng nghề tham gia.

Theo anh Nguyễn Anh Sơn, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh lụa Lan Sơn, từ nhóm này, thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu sản xuất, giới thiệu mặt hàng do chính cơ sở sản xuất. Với những dữ liệu trong nhóm, các cơ sở chuyên làm thương mại tập trung quảng cáo, kết nối với người mua có nhu cầu. Các hộ kinh doanh còn tận dụng nền tảng công nghệ để tư vấn, bán hàng trực tuyến…

Tương tự, ông Hoàng Văn Luận, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề mộc Đại Nghiệp (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), cho biết: Trước đây, hầu hết cơ sở muốn giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng đều phải nhờ vào các hội chợ, chương trình kết nối của cơ quan chức năng... thì bây giờ những sản phẩm này có thể dễ dàng tìm kiếm thông qua mạng xã hội. 

Ông Dương Quốc Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, để hỗ trợ cơ sở sản xuất tại các làng nghề, đơn vị đã thẩm định và trình Bộ Công Thương phê duyệt đề án Hội thảo “Tư vấn nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề” của Trung tâm Khoa học và Công nghệ Phát triển Làng nghề thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong Chương trình khuyến công quốc gia năm 2022. Đây là đề án khuyến công quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề, thành viên, hội viên Hiệp hội làng nghề kiến thức về thương mại điện tử; kỹ năng kinh doanh trực tuyến và việc ứng dụng trong tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ...

Sản phẩm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông).

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hoá, vừa qua, Hiệp hội đã thành lập Ban Chuyển đổi số hỗ trợ các đơn vị làng nghề kinh doanh sản phẩm trên nền tảng số. Cũng theo ông Hoá, mỗi làng nghề phải định vị khả năng công nghiệp của mình để có lộ trình phát triển 4.0; phải có đầu tư tương xứng, đặc biệt là máy móc, thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất; đầu tư cho nhân lực, nghệ nhân, thợ giỏi là linh hồn của làng nghề. Làng nghề cũng phải tự tái cơ cấu, loại bỏ những sản phẩm truyền thống không thích hợp hiện nay, cùng với đó là sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu hiện tại.

Riêng với tỉnh Bắc Ninh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng website, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao kiến thức cho cộng đồng về thương mại điện tử thông qua hoạt động truyền thông. Đặc biệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích thiết thực của thương mại điện tử trong xu thế hội nhập để các doanh nghiệp tự đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho việc phát triển thương mại điện tử, phục vụ chính mục đích phát triển kinh doanh. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương) khẳng định, hằng năm, đơn vị đều tổ chức và phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo các chương trình chuyên sâu, bài bản về thương mại điện tử. Theo đó, hiệp hội làng nghề của các địa phương có nhu cầu có thể đăng ký để được tập huấn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm: Chìa khoá để làng nghề hội nhập quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.