(HNM) - Thực tế, hàm lượng khoa học công nghệ cao đã giúp tăng sản lượng, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là lĩnh vực trồng trọt đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp Thủ đô.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nhờ áp dụng công nghệ mới, thời gian chọn tạo giống cây trồng mới đã giảm, chỉ còn 3-5 năm thay vì 7-10 năm như trước đây. Từ đó, nhanh chóng gia tăng diện tích giống mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh. Điển hình, 5 năm qua, có tới 70% diện tích nhãn giống cũ của Hà Nội được thay thế giống mới (hơn 1.000ha), cho hiệu quả kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...
Tương tự, với gần 4.000ha bưởi, trong đó, các giống bưởi chất lượng cao, năng suất tốt chiếm tới 95%. Đối với giống lúa của Hà Nội, tỷ lệ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao cũng chiếm tới trên 90%...
Không chỉ tập trung vào khâu giống, việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đã thay đổi phương thức sản xuất ở khu vực nông thôn. Bà Cao Thị Thủy ở Hợp tác xã Nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) chia sẻ: Đến nay, 100% diện tích cấy lúa của hợp tác xã đã ứng dụng mạ khay, máy cấy và máy gặt đập liên hợp. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng lúa, gạo của hợp tác xã tăng 20-30% so với phương pháp truyền thống; đồng thời, giải phóng 80% sức lao động.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội chia sẻ: Riêng trên cây rau, mỗi năm, Hà Nội có tới hàng chục cải tiến kỹ thuật mới được ứng dụng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ các ứng dụng đơn giản như dùng bẫy bả dụ côn trùng, màng che phủ ni lông... đến các ứng dụng kỹ thuật cao hơn như trồng cây trong nhà màng, nhà lưới với đầy đủ hệ thống điều hòa ánh sáng, nhiệt độ, tưới tự động... Nhiều loại rau, củ, quả trước kia phải nhập từ nơi khác về thì nay hầu hết sản xuất trên địa bàn thành phố như cà chua bi, dưa lưới, cải bắp tím…
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn huyện tuy có nhiều ứng dụng mới nhưng nhìn chung vẫn ở quy mô nhỏ; việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học, quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất còn chậm. Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô thừa nhận, những giống cây có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện thực tiễn của huyện còn ít; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản còn hạn chế.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, việc tích tụ ruộng đất khó khăn, quy mô sản xuất càng nhỏ thì càng phải ứng dụng khoa học, công nghệ để gia tăng giá trị trên đơn vị canh tác. Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để tạo vai trò dẫn dắt kết hợp đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới tới hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác... Với hạt nhân là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hệ thống hợp tác xã trên địa bàn thành phố cũng sẽ đẩy mạnh mô hình trình diễn của các đơn vị: Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội... Dự kiến, năm 2020, ngành Nông nghiệp Hà Nội có thêm 20-30 mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao (hiện có 136 mô hình).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.