(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh công tác chống ngập nhằm xóa dần các điểm ngập thường xuyên cũng như điểm phát sinh mới.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, tình trạng lấn chiếm kênh rạch trái phép, xâm hại hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố rất phức tạp, việc xử lý không theo kịp sự cố phát sinh. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập nước thời gian qua. Để cải thiện tình hình, thành phố đang triển khai các dự án trên 25 tuyến đường còn ngập. Trước mắt, cơ quan chức năng tập trung giải quyết 7 tuyến đường thường xuyên ngập, gồm: Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú); Hồ Văn Tư (quận Thủ Đức); An Dương Vương, đoạn từ Tân Hòa Đông đến Bà Hom (quận 6); Mễ Cốc 2 và Lưu Hữu Phước 2 (quận 8); Tôn Thất Hiệp (quận 11); Lương Định Của (quận 2).
Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh), thành phố đang tập trung hoàn thành xây dựng 8 cống kiểm soát triều Vàm Thuật, rạch Nước Lên, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định; 68 cống nhỏ dưới đê, xây dựng 7,8km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và 12km đê bờ tả sông Sài Gòn. Về giải pháp phi công trình, thành phố tiếp tục kêu gọi, tạo cơ chế khuyến khích, huy động nguồn vốn của các tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng công trình hồ điều tiết, đê bao, cống kiểm soát triều, đặc biệt là hệ thống thoát nước...
Đối với dự án trọng điểm về giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, hiện đơn vị thi công đã đạt 70% tổng khối lượng công việc. Dù vậy, để dự án đạt hoặc vượt tiến độ, UBND TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu UBND các quận, huyện có dự án đi qua đang vướng mặt bằng kiên quyết không để tình trạng lấn chiếm và bảo đảm bàn giao mặt bằng thi công cho chủ đầu tư chậm nhất vào đầu tháng 5 tới. Theo chủ đầu tư, nếu được bàn giao mặt bằng đúng hẹn, dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2018, tức sớm hơn 4 tháng so với hợp đồng thực hiện 36 tháng (2016-2019). Dự án giúp nâng cao chất lượng sống cho khoảng 6,5 triệu người dân của khu vực 570km² thuộc bờ hữu sông Sài Gòn, gồm quận 1, 4, 7, 8 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm chống ngập hiệu quả. Trong đó, thành phố đang thí điểm ứng dụng thiết bị giám sát cảnh báo ngập lụt bằng công nghệ cảm biến vi cơ điện tử. Điều đặc biệt là thiết bị này do chính các kỹ sư trong nước thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao thành phố chế tạo và sản xuất, với giá thành rẻ hơn 1/3 so với sản phẩm ngoại nhập cùng tính năng - tức chỉ khoảng 10 triệu đồng/bộ so với 32 triệu đồng/bộ thiết bị ngoại nhập.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, hiện hệ thống cảnh báo ngập này được lắp đặt thí điểm tại 10 điểm thường xuyên bị ngập ở 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống này sẽ tự đo mực nước (5 phút/lần) và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động.
Cũng theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố, để tăng tính hiệu quả hơn nữa trong công tác dự báo và chống ngập lụt thời gian tới, các đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu nâng cấp hoàn thiện thiết bị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.