Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ để có nguồn nước sạch

Minh Đức| 29/10/2019 07:14

(HNM) - Với người dân ở những vùng miền núi, nguồn cung cấp chính nước sinh hoạt hằng ngày vẫn là nước sông, suối. Tuy nhiên, nguồn nước này khó bảo đảm cả về chất lượng và số lượng, nhất là vào mùa khô. Để giải quyết tình trạng này, các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường đã tìm ra giải pháp khắc phục nhờ ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp vật liệu lọc đa năng trong xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước sạch.

Nhóm nghiên cứu của Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường khảo sát dòng chảy suối Nà Rược (tỉnh Hà Giang).

Nguồn nước không bảo đảm

Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để xử lý nước suối vùng biên giới Tây Bắc cấp nước cho sinh hoạt", Thạc sĩ Đặng Xuân Thường cho biết, nhóm nghiên cứu của Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường đã thực hiện đề tài trong hai năm. Trong giai đoạn đầu, nhóm đã tiến hành điều tra, khảo sát hiện trạng, đo đạc cụ thể chế độ thủy văn, chất lượng nước của khu vực sông, suối các tỉnh Tây Bắc.

Các nhà khoa học đã lấy nhiều mẫu nước sông, suối vào mùa mưa và mùa khô ở các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang để phân tích. Kết quả cho thấy, vào mùa khô, hầu hết các mẫu nước đều có các chỉ tiêu BOD (nhu cầu oxy sinh hóa), COD (nhu cầu oxy hóa học), TSS (tổng rắn lơ lửng) vượt quá mức cho phép. Vào mùa mưa chất lượng nước cũng không được cải thiện.

Kết quả đánh giá hiện trạng nước sông, suối vùng biên giới Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là dự án khoa học - công nghệ đầu tiên tiến hành nghiên cứu, đánh giá tổng quan mức độ ô nhiễm và tải lượng các chất gây ô nhiễm có trong nước sông, suối vùng này.

"Các nghiên cứu của báo cáo được đúc rút từ quá trình khảo sát thực địa, lấy mẫu và áp dụng các phương pháp so sánh, thống kê, phân tích với các chuyên gia đầu ngành đã đưa ra được bức tranh tổng quan về hiện trạng nguồn nước tại vùng Tây Bắc. Đây là cơ sở dữ liệu nền tảng cho các nghiên cứu sau này", Thạc sĩ Đặng Xuân Thường khẳng định.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch

Song song với việc điều tra, đánh giá hiện trạng, các nhà khoa học cũng tiên phong trong ý tưởng nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để áp dụng trong xử lý nước sông, suối vùng Tây Bắc.

Cụ thể, nhóm đã nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng màng lọc, bao gồm cả việc tìm hiểu, kế thừa từ các tài liệu sẵn có và việc xây dựng mô hình thí nghiệm để xác định các tính chất của vật liệu lọc và màng lọc đối với việc xử lý nước trong các điều kiện khác nhau.

Từ đó, nhóm các nhà khoa học đã xây dựng, lắp đặt hai hệ thống xử lý nước, một trạm đặt tại Trung đoàn 877, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, với nguồn cung cấp nước là suối Tà Vải, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang; trạm thứ hai đặt tại thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, với nguồn cung cấp nước là suối Nà Rược. Mỗi trạm xử lý có công suất điện 30KW-380V, công suất xử lý nước 50m3/giờ, vận tốc 10 lít/giây, thời gian vận hành 8-10 giờ/ngày. Kết quả kiểm tra chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT).

Theo Thạc sĩ Đặng Xuân Thường, qua thời gian vận hành thử nghiệm cho thấy, sản phẩm của đề tài có tính ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí, phù hợp với các vùng có điều kiện môi trường, xã hội và kinh tế khó khăn. Đặc biệt, hai trạm xử lý nước này đã đáp ứng được nguyện vọng, thỏa mãn nhu cầu của người dân về nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.

Khi hệ thống xử lý nước được lắp đặt, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã xây dựng một trạm điện 3 pha để ổn định chạy trạm. Còn tại thị trấn Yên Minh, chính quyền địa phương đã tiến hành giải phóng mặt bằng lắp đặt trạm, lắp đặt tuyến ống dẫn nước cấp cho dân và đặc biệt cấp nước cho Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh, phục vụ việc khám, chữa bệnh cho bà con 3 huyện: Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc.

Đánh giá về kết quả đề tài, ông Phạm Xuân Diệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết, huyện Yên Minh là địa bàn thiếu nước sạch nghiêm trọng, do địa hình chia cắt và nguồn nước nhiễm E.Coli nặng. Thời gian thiếu nước sinh hoạt thường kéo dài từ tháng 10 của năm trước đến tháng 4 năm sau.

“Trạm xử lý nước đã giải quyết vấn đề nước sạch cho khoảng 2.000 người dân trên địa bàn huyện. Việc nguồn nước được bảo đảm đã nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo ra những thay đổi tích cực trong lối sống và phong tục tập quán”, ông Phạm Xuân Diệu cho biết thêm.

Bà Sùng Thị Dính, trú tại thôn Nà Rược, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi phải gánh nước từ suối rất xa, rồi dùng phèn chua lọc nước để lấy nước sinh hoạt. Từ khi có trạm xử lý nước, chúng tôi không chỉ có nước sạch để ăn uống, mà còn đủ nước tắm giặt. Tôi mong mô hình trạm xử lý này sẽ được triển khai nhiều hơn nữa để bà con đỡ vất vả".

Với mức giá đầu tư xử lý 1m3 nước là 2.727 đồng cho thấy, hiệu quả đầu tư trạm xử lý nước sạch cấp cho sinh hoạt là hợp lý, phù hợp với mức sống của người dân các tỉnh vùng Tây Bắc. Điều đó cũng có nghĩa là mô hình sản phẩm của đề tài hoàn toàn có thể nhân rộng tại nhiều nơi, nhiều vùng, nhiều tỉnh trong cả nước, kể cả một số xã miền núi khó khăn về nguồn nước của thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ để có nguồn nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.