(HNM) - Trong diễn đàn cấp cao về công nghệ thông tin - truyền thông vừa được tổ chức, có một chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của các chuyên gia và giới truyền thông là ứng dụng CNTT nâng cao năng lực ngành y tế.
Ngành y tế đã triển khai ứng dụng CNTT được hơn 20 năm, kể từ khi manh nha sử dụng phần mềm phục vụ điều trị (bsoft). Tuy nhiên, đến nay việc ứng dụng vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Cụ thể, tất cả các dự án như bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa… triển khai rất chậm, mất 4 năm để xây dựng và khởi động.
Theo các phương tiện truyền thông đại chúng, mặc dù 100% bệnh viện tuyến TƯ có ứng dụng phần mềm tin học bệnh viện; ở tuyến tỉnh là 68%, và tuyến huyện là 61%, nhưng mức độ ứng dụng phần mềm chưa cao và chưa thể kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa các bệnh viện. Hầu hết hệ thống CNTT tại các bệnh viện hiện nay chưa hoàn chỉnh và chưa thống nhất ở các khâu trong quy trình khám - chữa bệnh và trong quản lý, điều hành…
Việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Tuấn Vũ |
Câu hỏi đặt ra là vì sao việc ứng dụng CNTT-TT trong ngành y tế chậm? Đó là thay đổi thói quen cũ không dễ, đặc biệt nguồn lực còn hạn hẹp, đồng thời theo các chuyên gia CNTT, hiện cần có một chuẩn chung (hay cơ sở dữ liệu chung) để kết nối. Đây cũng là điều không dễ khi mà ngay tại một số quốc gia trong khu vực cũng chưa thực hiện kết nối thông tin bệnh viện thành công.
Đại diện các Tập đoàn VNPT, FPT cho rằng, tránh "vết xe đổ" ở một số quốc gia, chúng ta cần xây dựng một chuẩn chung về tất cả các lĩnh vực trong y tế. Cụ thể, với mô hình khám chữa bệnh hiện nay, các chuyên gia CNTT đề xuất, hiện nay có các tuyến kết nối ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế gồm tuyến xã, tuyến huyện, tuyến thành phố, trung ương và nếu có bệnh án điện tử thì toàn bộ thông tin sẽ được chia sẻ giữa các tuyến. Đó là chuẩn để kết nối các chủ thể trong ngành y tế từ bệnh viện đến bệnh nhân, bảo hiểm, cửa hàng thuốc. Trong đó, không thể có phần mềm dùng chung cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, nhưng ít nhất cần có danh mục mã dùng chung, thống nhất. Các doanh nghiệp CNTT cần dùng chung 1 bộ mã, kết nối chung các bệnh viện, bảo hiểm… để từ đó giúp người bệnh (khi đã được cấp mã) có thể khám bệnh trên toàn quốc và suốt đời với mã số đó; bệnh viện thì quản lý được bệnh án của bệnh nhân (với hệ thống lưu trữ hình ảnh là phim chụp về tình trạng sức khỏe, kèm hồ sơ bệnh án điện tử)…
Để giải quyết bài toán này, trong khi nguồn lực của ngành y tế hạn hẹp thì giải pháp đầu tiên được tính tới là triển khai dịch vụ thuê ứng dụng CNTT. Có nghĩa là các doanh nghiệp viễn thông, CNTT có thể thực hiện đầu tư thiết bị, cung cấp giải pháp và cho các bệnh viện thuê lại.
Thực tế, vấn đề thuê dịch vụ CNTT cũng đã được Chính phủ đồng ý cho doanh nghiệp triển khai và các tập đoàn viễn thông - CNTT đã đang phối hợp với các bệnh viện trong toàn quốc triển khai phần mềm quản lý bệnh viện HIS… Trong đó, Tập đoàn VNPT được đánh giá cao khi phối hợp triển khai phần mềm Quản lý Khám chữa bệnh (VNPT- HIS) và phần mềm Quản lý Y tế cơ sở đáp ứng tiêu chí quản lý 3B đối với ngành y tế là: B1 là bệnh nhân, B2 là Bệnh viện, B3 là Bộ/BHXH.
Được biết, hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện này được chia thành nhiều phân hệ theo khối chức năng khám chữa bệnh và quản lý, giúp cho việc quản lí được nhanh chóng, chính xác và đầy đủ, chi tiết nhất. Phân hệ khám bệnh ngoại trú: Quản lý toàn bộ các khâu đón tiếp, đăng ký bệnh nhân, đăng ký bảo hiểm y tế cho người đến khám chữa bệnh, cấp thuốc cho bệnh nhân đến khám bệnh. Phân hệ nội trú quản lý toàn bộ việc điều trị nội trú cho bệnh nhân khi nhập viện. Phân hệ dược quản lý toàn bộ quy trình liên quan công tác dược trong bệnh viện. Phân hệ viện phí quản lý toàn bộ việc thanh toán viện phí của bệnh nhân khi khám chữa bệnh…
Ngoài ra, VNPT cũng đưa ra giải pháp ứng dụng y bạ điện tử được cung cấp và tích hợp với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS sẽ hỗ trợ người bệnh thay thế cuốn sổ y bạ giấy và quản lý tốt hơn hồ sơ bệnh án của mình. Hiện tại, VNPT đã cung cấp các giải pháp này tại một số địa phương và nhiều bệnh viện trên toàn quốc. Tương tự, Tập đoàn FPT cũng được đánh giá cao khi cung cấp các giải pháp y tế cho bệnh viện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.