Cuộc không kích của Nga đêm 5-7 đã khiến hơn 100.000 hộ gia đình ở tỉnh Sumy miền Bắc Ukraine mất điện và làm gián đoạn nguồn cung cấp nước.
Ngày 6-7, Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Năng lượng Ukraine cho biết, khu vực phía Bắc Sumy, giáp biên giới với Nga, đã chìm trong bóng tối sau các cuộc không kích của Nga vào đêm 5-7 đã phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng.
Đài truyền hình công cộng Ukraine đưa tin máy bay không người lái của Nga đã tấn công thủ phủ của tỉnh, còn được gọi là Sumy, cắt nguồn nước bằng cách tấn công các đường dây điện cung cấp cho hệ thống máy bơm.
Sau khi Nga thực hiện các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng những tháng gần đây, Ukraine đã bắt đầu thực hiện lệnh cắt điện luân phiên từ ngày 15-5. Trước nguồn cung cấp năng lượng đang cạn kiệt do các cuộc tấn công của Nga, nhà cung cấp năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine là DTEK đã cảnh báo, người dân Ukraine sẽ chỉ có điện 6-7 giờ mỗi ngày trong mùa đông sắp tới.
"Kịch bản xấu nhất" mà Ukraine không thể sửa chữa các cơ sở năng lượng bị hư hại và ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai, người dân Ukraine có thể phải chịu cảnh mất điện tới 20 giờ mỗi ngày, Giám đốc điều hành DTEK Dmytro Sakharuk trả lời tờ Kyiv Independent trong một cuộc phỏng vấn tháng 6.
Trong diễn biến liên quan, lãnh đạo Đảng Cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp Marine Le Pen trong một cuộc phỏng vấn với CNN ngày 5-7 cho biết, đảng của bà phản đối việc tiếp tục cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa và khả năng gửi quân đội Pháp tới Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã ủng hộ việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine và Pháp đã cung cấp cho Kiev tên lửa SCALP, tương đương với tên lửa Storm Shadows của Anh.
Hồi tháng 5, ông Macron tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng gửi quân đến Ukraine. Kiev không kêu gọi phương Tây gửi quân đến Ukraine, thay vào đó yêu cầu tăng nguồn cung cấp vũ khí để giúp quân đội của mình chống lại Nga. Sau nhiều tháng thảo luận, Tổng thống Macron tiết lộ, Pháp đang hoàn thiện kế hoạch liên minh các quốc gia để gửi huấn luyện viên quân sự tới Ukraine.
Các đối tác của Ukraine đang chia rẽ về việc Kiev nên được phép sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp đến mức nào để tiến hành cuộc tấn công vào mục tiêu quân sự ở Nga.
Đầu tháng 6, Mỹ đã cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, bao gồm cả tên lửa HIMARS, để tấn công các mục tiêu ở Nga nằm gần biên giới với tỉnh Kharkiv sau khi Mátxcơva phát động một cuộc tấn công mới vào khu vực này ngày 10-5. Ukraine vẫn bị cấm sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do Washington cung cấp để tấn công sâu hơn vào bên trong nước Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.