(HNM) - Vẫn nằm trong tâm điểm của dư luận thế giới tuần qua, tình hình Ukraine liên tục có những diễn biến mới...
Tuy nhiên, động thái được cho là bất ngờ nhất là Mátxcơva và Kiev đạt được thỏa thuận đột phá nhằm nối lại cung cấp khí đốt cho Ukraine trong cuộc đàm phán tại Berlin (Đức) với trung gian là Liên minh Châu Âu (EU).
Ukraine đứng trước nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông này nếu Nga cắt nguồn cung “vàng xanh”. |
Diễn ra hơn ba tháng sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine, theo những gì các bên đạt được, Mátxcơva sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu Kiev trả khoản nợ tiền mua khí đốt trị giá 3,1 tỷ USD cho Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom theo thời hạn đến cuối tháng 12. Gazprom sẽ cung cấp cho Ukraine ít nhất 5 tỷ mét khối khí đốt trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu của các tháng mùa đông. Mức giá mới mà Kiev phải trả trước là 385 USD cho 1.000m3 khối khí cũng được coi là "hợp lý" hơn so với mức 485 USD mà Gazprom từng đưa ra trước đó. Về điều khoản thanh toán nợ, Kiev sẽ phải trả cho Gazprom 2 tỷ USD nợ tiền mua khí đốt vào cuối tháng 10 tới và từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12 sẽ trả tiếp 1,1 tỷ USD dưới sự bảo đảm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Mặc dù vẫn còn một số khúc mắc xung quanh thỏa thuận tạm thời, nhưng các bên đều hy vọng bất đồng sẽ được giải quyết trong cuộc họp tiếp theo, dự kiến diễn ra tuần này tại Berlin. Cùng với các cuộc đàm phán, Nga đã lên tiếng cảnh báo rằng nguồn cung khí đốt từ Nga tới Châu Âu sẽ bị gián đoạn nếu phát hiện nó "chảy ngược" về Ukraine. Đây hẳn là lý do khiến cuối tuần qua, hãng khí ga Hungary FGSZ thông báo đình chỉ vô thời hạn việc bán khí đốt cho Ukraine mà Kiev cho là "bất ngờ" và "khó hiểu".
Sau 3 tuần thỏa thuận ngừng bắn giữa phe ly khai thân Nga ở miền Đông và Chính phủ Ukraine được ký kết, thỏa thuận khí đốt Berlin - chuẩn bị năng lượng cho mùa đông tới trước khi quá muộn - được xem như một nỗ lực của các bên liên quan nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng kéo dài suốt gần một năm qua ở đất nước bên bờ Biển Đen. Điều này không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích Châu Âu khi quan hệ Nga - Ukraine - EU vẫn đang ràng buộc chặt chẽ bởi những lợi ích kinh tế đan xen và cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng Đông - Tây thời gian qua cùng những đòn trừng phạt thương mại đã khiến tất cả các bên thiệt hại nặng nề, đặc biệt là Ukraine. Hay nói một cách khác, Kiev đã phải trả một cái giá khá đắt cho dự án hướng Tây khi nền kinh tế từng gắn bó chặt chẽ với Nga trong nhiều thập kỷ.
Hiện tại, mọi chỉ số kinh tế vĩ mô tại quốc gia Đông Âu này đều đã sụt giảm đến giới hạn đỏ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm gần 5% so với một năm trước và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Doanh số bán lẻ sụt giảm với tốc độ lớn chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính. Sản lượng công nghiệp lao dốc không phanh. Nỗi lo ngại lớn nhất là đồng nội tệ (hryvnia) của Ukraine đang mất giá kỷ lục, bất chấp những biện pháp can thiệp của chính phủ, kéo theo đó là dòng vốn ồ ạt đã và đang tiếp tục bị rút khỏi Kiev. Tỷ lệ lạm phát ở mức trên 14% và dự báo sẽ tăng vọt trong vài tháng tới nếu đồng nội tệ tiếp tục suy yếu. Tình hình tài khóa cũng rất nguy kịch. Để bảo vệ đồng hryvnia, Ukraine chỉ có thể tiếp cận với nguồn tiền trợ giúp của IMF để có thể duy trì trật tự trên thị trường ngoại hối. Thêm vào đó, nợ công tiếp tục tăng cao vì chính phủ phải cố gắng bảo vệ hệ thống ngân hàng trước nguy cơ sụp đổ. Theo hãng đánh giá tài chính Fitch, tỷ lệ nợ của chính phủ/GDP đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2008. Những vấn đề hiện nay có thể khiến nợ công của Ukraine tăng lên mức 70% trong năm nay và 77% trong năm tới, cao hơn ngưỡng nợ bền vững theo tiêu chuẩn của IMF.
Như vậy, nhiệm vụ sắp tới của "Vua sôcola" P.Poroshenko là hết sức nặng nề. Rõ ràng, cương quyết hội nhập với EU có hứa hẹn bao nhiêu cơ hội cải thiện nền kinh tế với Ukrraine đi nữa nhưng cũng không thể giúp nước này thay da đổi thịt trong một sớm một chiều. Vấn đề miền Đông cũng là bài toán hóc búa. Trong khi đó, tất cả những gì vừa diễn ra đã cho thấy Kiev không thể đối đầu với Mátxcơva mà buộc phải duy trì đối thoại để thu xếp lợi ích của cả hai bên. Câu hỏi mà người dân Ukraine muốn có được lời giải đáp nhất vào lúc này là đất nước sẽ mất mát thêm bao nhiêu nữa về kinh tế và thời gian để có một Ukraine hòa bình, thống nhất, thịnh vượng như cái đích mà cuộc cách mạng Maidan từng hướng đến sẽ là bao lâu(?). Tuy nhiên dường như những câu hỏi này vẫn chưa thể có câu trả lời tại thời điểm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.