Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ukraine: Đỉnh điểm của sự bất ổn

Quỳnh Chi| 24/02/2014 06:29

(HNM) - Sau đúng một thập kỷ, một kết cục tương tự như Cách mạng Cam năm 2004 đã tái hiện trên chính trường Ukraine.


Là nền kinh tế đứng thứ hai trong các quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết với nhiều tiềm năng phát triển, thế nhưng trong 10 năm trở lại đây, Ukraine lại gần như giậm chân tại chỗ vì cảnh giằng xé ngay trong đất nước giữa hai con đường theo Đông (Nga) hay hướng Tây (Âu - Mỹ). Cùng với đó là những cuộc tranh giành quyền lực gay gắt không màng tới lợi ích quốc gia đã xảy ra. Thậm chí, từ 10 ngày trở lại đây, cảnh "nồi da, nấu thịt" với những cuộc bạo động mang hơi hướng thời trung cổ đã diễn ra ngay tại Quảng trường Độc lập - vốn như một biểu tượng hòa bình của đất nước hơn 46 triệu dân này.

Người dân Ukraine xếp hàng vào xem tư dinh để ngỏ của Tổng thống Yanukovych rộng 136 ha gồm sân golf, vườn thú và nhiều xe cổ.



Với những cuộc xuống đường nhuốm màu cực đoan ròng rã 3 tháng qua, phe đối lập đã thành công khi phế truất được Tổng thống đương nhiệm Viktor Yanukovych - người phải "ra đi" trong cuộc Cách mạng Cam lần trước. Đa phần yêu sách của lực lượng biểu tình cũng đã được đáp ứng gồm: Khôi phục Hiến pháp năm 2004 nhằm cân bằng quyền lực giữa Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội; thành lập Chính phủ liên minh và tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn vào tháng 12 tới.

Điểm đáng chú ý trong số những thỏa thuận nói trên là việc trả tự do cho nữ hoàng Cách mạng Cam Yulia Tymoshenko sau một thời gian phải ngồi "bóc lịch" vì tội lạm quyền. Như một biểu tượng tinh thần của làn sóng biểu tình, ngay sau khi ra tù, ngày 23-2, "người đẹp tóc tết" đã tái xuất trên Quảng trường Độc lập để khẳng định sẽ tham gia tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới và không quên hứa hẹn sẽ đưa Ukraine gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) như đã thể hiện cách đây 10 năm.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, không phải người dân Ukraine chưa từng được nếm "chiếc bánh" mang giá trị dân chủ. Nói một cách cụ thể thì cuộc chính biến với tên gọi Cách mạng Cam mang đậm dấu ấn "dân chủ" phương Tây trước đây quả thật đã đem đến cho Ukraine nhiều cái "mới". Nhưng, những điều gọi là "mới" đó không phải những bước phát triển như viễn cảnh mà nhiều người dân từng tưởng tượng. Kết cục chỉ là sự bất ổn chính trị chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại của đất nước bên bờ Biển Đen với một chính trường và lòng dân Ukraine "chia năm xẻ bảy" kéo theo hàng loạt hệ lụy: Kinh tế rệu rã, người dân hoài nghi, giới đầu tư nước ngoài e ngại, quan hệ láng giềng rạn vỡ... Vì vậy, liệu cuộc Cách mạng Cam phiên bản II vừa diễn ra có mang lại bước đột phá cho Ukraine hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nói một cách khác, thành công của phe đối lập Ukraine trong những ngày vừa qua về một cuộc lật đổ không khẳng định rằng: Người dân Ukraine sẽ được hưởng ngay một triển vọng tươi sáng.

Ngược lại, trước mắt, Kiev đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ đã cận kề.

Cú lật đổ Tổng thống thân Nga V.Yanukovych của những người biểu tình khiến khoản viện trợ 15 tỷ USD và thỏa thuận giảm 1/3 giá khí đốt của Mátxcơva với Ukraine sẽ tan thành mây khói ngay trong mùa đông này. Trong khi đó, nợ công của Ukraine trong năm 2013 đã tăng lên 13% so với năm 2012 ở mức 73,1 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo kế hoạch, đến cuối quý II năm nay, Kiev sẽ phải trả nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 3 tỷ USD. Nhưng, trong bối cảnh đà thâm hụt ngân sách cũng vượt mức 8%, việc Ukraine có thể trả nợ đúng thời hạn mà không có sự trợ giúp ở bên ngoài là không tưởng.

Mới đây, Hãng Đánh giá tín dụng Fitch đã hạ mức xếp hạng phát hành nợ dài hạn của Ukraine xuống 2 bậc, từ mức B - xuống CCC, với lý do bất ổn chính trị. Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's cũng đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Ukraine kèm cảnh báo về triển vọng tiêu cực đối với nền kinh tế từng ở hàng đầu trong khu vực.

Trong tình cảnh hiện nay, tin ngầm từ nhiều nhà băng khu vực cho rằng, cách duy nhất để người dân Ukraine bảo vệ tài sản và bản thân là nhanh chóng đổi đồng nội tệ Ukraine sang USD, euro hoặc những đồng tiền khác vốn là trụ cột của hệ thống tài chính thế giới. Rõ ràng, bất ổn chính trị không mang lại những thay đổi tích cực cho đời sống người dân ở bất kỳ quốc gia nào; trong đó, cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến cú "bùng nổ" Ukraine trong những giờ qua là một điển hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ukraine: Đỉnh điểm của sự bất ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.