(HNM) - Trong một động thái được cho là nhượng bộ của chính quyền Kiev nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine, Quốc hội nước này đã thông qua dự luật trao quy chế tự quản đặc biệt trong vòng 3 năm cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk, mở đường cho một tiến trình phân cấp chính quyền trên cả nước
Ngay sau khi dự luật được phê chuẩn, các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đưa ra phản ứng tích cực và coi đây là bước đi nhằm xây dựng lòng tin giữa hai phía xung đột. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, cần phải có thêm rất nhiều nỗ lực mới có thể mang lại hòa bình thực sự cho đất nước trên 45 triệu dân này.
Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn chưa có hồi kết. |
Thủ tướng Ukraine yêu cầu quân đội luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu Theo Reuters, ngày 17-9, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng nước này phải đặt các lực lượng của chính phủ ở trong tình trạng chiến đấu bất chấp một lệnh ngừng bắn với phe ly khai. Ông A.Yatseniuk cho rằng, việc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ban hành kế hoạch hòa bình không có nghĩa là "giảm bớt công việc của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ". |
Trên thực tế, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra đối với quy chế vừa được Quốc hội Ukraine phê chuẩn, chẳng hạn như tính hợp hiến của quy chế khi được thông qua vào thời điểm Quốc hội đã giải tán từ cách đây hơn hai tuần để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 26-10. Ngoài ra, lý do đề ra thời hạn 3 năm cũng còn nhiều điều phải bàn hay chuyện sau thời hạn đó Donetsk và Lugansk còn được hưởng những đặc cách gì? Trong khi đó, dường như Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi ly khai vẫn ở trong tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" về các điều khoản của quy chế đặc biệt này. Vì ngay khi quy chế được công bố, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng Andrei Purgin đã bác bỏ việc chính quyền Kiev trao quy chế tự trị giới hạn cho miền Đông; đồng thời nhấn mạnh khu vực Donbass không còn là một phần của Ukraine. Theo tuyên bố của ông A.Purgin, quyền tự trị hoàn toàn sẽ được thực hiện ở Donbass và sẽ không lên kế hoạch liên bang nào với Ukraine.
Cùng lúc đó, những động thái được cho là có thể dẫn tới sự thay đổi cục diện trên bàn cờ quân sự tại khu vực đã xuất hiện. Theo nguồn tin mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố tình hình căng thẳng tại Ukraine và sự hiện diện quân sự gia tăng của nước ngoài gần biên giới với Nga đã buộc nước này phải điều chỉnh lại công tác của Bộ Chỉ huy Quân khu phương Nam. Theo đó, một trong những nhiệm vụ ưu tiên là triển khai một tập đoàn quân độc lập tại Crimea. Đây được cho là đòn trả đũa của Mátxcơva đối với kế hoạch lập thêm 5 căn cứ quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Đông Âu. Thêm vào đó, cuộc tập trận "Đinh ba thần tốc" của NATO và Ukraine tại Biển Đen cùng những thông tin cho rằng một số thành viên của cỗ máy quân sự này đã viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev cũng sẽ khiến lộ trình tiến tới hòa bình cho đất nước này trở nên gập ghềnh hơn bao giờ hết.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu quốc tế, Ukraine đang trở thành chiến trường cho cuộc đọ sức Đông - Tây nhằm vẽ lại bản đồ địa chính trị khu vực. Chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với chiến lược an ninh của Nga, việc Kiev đi theo đường lối hội nhập với phương Tây đồng nghĩa vai trò của Mátxcơva với tư cách là một cường quốc khu vực sẽ bị suy giảm đáng kể. Ngoài ra, hiệu ứng từ Ukraine có thể lan sang các quốc gia khác nằm trong không gian hậu Xô Viết như đã từng xảy ra đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Vì lẽ đó, Nga sẽ làm mọi cách để đảo ngược các xu hướng địa chính trị bất lợi có thể khiến nước này một lần nữa mất đi ảnh hưởng tại không gian truyền thống. Ngược lại, đối với NATO, các sự kiện vừa diễn ra ở Ukraine là cơ hội để phương Tây chứng tỏ vai trò lãnh đạo thế giới; đồng thời cũng là đòn chiến lược làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ngay tại "sân nhà". Hay nói cách khác, sự xuất hiện của một quốc gia thân phương Tây ngay sát xứ Bạch dương đã tạo ra thách thức lớn đối với lợi ích căn bản của nước Nga.
Chính vì thế, dù thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên ký kết và Ukraine đang nỗ lực bằng mọi giá ổn định khu vực miền Đông, song, sự phức tạp từ bài toán lợi ích của các bên liên quan đã khiến "chiến địa" này tiếp tục rơi vào trạng thái bất ổn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.