Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý xe ôtô hợp đồng dưới 9 chỗ thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: mybroadband.co.za) |
Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được Đề án của Công ty TNHH GrabTaxi, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam và đã có văn bản hướng dẫn các Công ty này thực hiện Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng trên địa bàn một số địa phương.
Theo số liệu báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các đơn vị tham gia thí điểm cho thấy, việc thực hiện thí điểm đã đạt được kết quả ban đầu như Sở Giao thông Vận tải đã nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện; bảo đảm được các điều kiện đối với phương tiện xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với loại hình xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe ôtô có niên hạn sử dụng không quá 8 năm và thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử được đáp ứng; việc thanh toán với người thuê vận tải (hành khách) được công khai minh bạch biết trước được các thông tin về hành trình và khoản tiền phải chi trả cho chuyến đi (giá trị hợp đồng); đặc biệt là công tác thu nộp thuế của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải cơ bản được chấp hành tốt.
Khẳng định trong thời gian vừa qua, bên cạnh những đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện thí điểm đã chấp hành tốt các quy định hiện hành và các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường thừa nhận, còn có hiện tượng một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải vẫn không chấp hành đúng các quy định hiện hành như không có phù hiệu xe hợp đồng, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định, gây bức xúc dư luận.
“Trường hợp của Uber, trong 2 năm qua Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần làm việc với đại diện của Uber để trao đổi, hướng dẫn Uber xây dựng Đề án gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho phép hoạt động thí điểm theo đúng các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan vẫn chưa nhận được Đề án hoạt động thí điểm của Uber như đã hướng dẫn,” Thứ trưởng Trường khẳng định.
Để tiếp tục thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng một cách có hiệu quả và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, tránh độc quyền, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cung cấp danh sách phương tiện dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng cho cơ quan thuế để tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị vận tải không ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp quy định (phần mềm thí điếm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng chưa được phê duyệt và hướng dẫn triển khai thực hiện trong Đề án).
Bên cạnh đó, các Sở Giao thông Vận tải trên chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp lực lượng công an, cơ quan thuế trên địa bàn tập trung cao điểm đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế, ngang nhiên coi thường pháp luật như một số doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải kiến nghị về Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục hướng dẫn các đơn vị vận tải và Công ty TNHH GrabTaxi, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam triển khai thực hiện các Đề án hoạt động thí điểm đã được phê duyệt theo đúng các nội dung yêu cầu tại Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Trước đó, với việc gia tăng đột biến số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải dưới hình thức “xe hợp đồng,” xe “taxi dù” và chưa kể các phương tiện xe taxi truyền thống tham gia vận chuyển khách tại thủ đô, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội không cho tăng thêm xe tại các quận trung tâm đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khống chế quy định rõ số lượng và khống chế tổng số xe dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu “xe hợp đồng.” Tính đến tháng 6/2016, số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi đăng ký cấp phù hiệu “xe hợp đồng” với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là 4.012 xe. Các phương tiện này đang được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng (từ tháng 01/2016 đến 01/2018). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.