OCOP Hà Nội

Ðưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh của Thủ đô

Nguyễn Mai 18/11/2024 - 15:58

Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Với quyết tâm cao, dự kiến hết năm 2024, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu Chương trình đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025, trước 1 năm so với kế hoạch. Trên cơ sở kết quả đạt được, Hà Nội tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP cho giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Mục tiêu của Thành phố là đưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.

nn.jpg
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP làm từ tơ sen của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Nguyễn Mai

Hoàn thành vượt kế hoạch

Xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ được coi là cái nôi của nghề mây, tre đan. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội Mây tre đan Phú Vinh - xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, cho biết, xã có số sản phẩm OCOP được chứng nhận nhiều nhất huyện với 54 sản phẩm. Trong đó, riêng gia đình ông có 23 sản phẩm được chứng nhận.

“Từ khi được chứng nhận OCOP, chúng tôi rất phấn khởi. Khách mua hàng yên tâm bởi có chứng nhận tức là sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, mẫu mã. Năm 2024, Hiệp hội Mây tre đan Phú Vinh chỉ với 35 hội viên nhưng đã xuất khẩu được hơn 100 tỷ đồng. Sản xuất phát triển không những góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề, mà còn đẩy mạnh tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng” - ông Trung chia sẻ.

Chương Mỹ là huyện có nhiều làng nghề truyền thống, đây là cơ sở quan trọng để phát triển sản phẩm OCOP. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Tống Văn Thái, huyện hiện có 35 làng được UBND Thành phố công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó chiếm đa số là làng nghề mây, tre đan xuất khẩu; sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, làm nón lá, điêu khắc đá, chế biến nông sản thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 210 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận.

Trong khi đó, huyện Đan Phượng có 105 sản phẩm OCOP được chứng nhận. Đây đều là các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng gắn liền với truyền thống, văn hóa và bản sắc địa phương. Các sản phẩm OCOP của huyện Đan Phượng đa dạng, thuộc nhóm thực phẩm, nhóm đồ uống, nhóm thảo dược, nhóm thủ công mỹ nghệ như nem Phùng gia truyền cơ sở Thái Cam, thị trấn Phùng; khoai lang kén của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thìn, xã Trung Châu; kẹo lạc của hộ sản xuất kinh doanh Đỗ Văn Trường, xã Song Phượng; rượu nếp của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Long và đậu phụ của Công ty TNHH Tâm Đức, xã Hồng Hà; đồ gỗ nội thất của làng nghề mộc xã Liên Trung; hoa đồng tiền Đồng Tháp, xã Đồng Tháp...

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Với nỗ lực, quyết tâm cao, lũy kế từ 2019 đến hết năm 2023, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm. Trong đó, tính riêng từ năm 2021 đến hết năm 2023, Thành phố đánh giá được 1.657 sản phẩm. Hiện nay, công việc đánh giá, công nhận sản phẩm năm 2024 đang được thực hiện với hơn 500 sản phẩm đăng ký. Dự kiến hết năm 2024, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu Chương trình OCOP đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025, trước 1 năm so với kế hoạch đề ra”.

Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể được Thành phố, huyện hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có gắn mã QR. Thành phố và các quận, huyện, thị xã cũng quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại. Đến nay, Thành phố cũng đã phát triển được 107 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ.

thu-co.jpg
Sản phẩm OCOP làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Mai

Hướng tới mục tiêu mới

Bên cạnh kết quả đạt được, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố cũng chỉ ra rằng, Chương trình OCOP của Hà Nội vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế: Số lượng sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận chưa nhiều, mới có 6 sản phẩm được công nhận; một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề chưa thực sự mặn mà tham gia vào Chương trình; chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm còn nhiều hạn chế; thị trường tiêu thụ chưa thực sự được mở rộng...

Chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: “Sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP vừa để tôn vinh vừa để nâng tầm, nâng giá. Hà Nội sẽ khôi phục lại các giống cây đặc sản như quýt Tích Giang, hồng Yên Thôn, bưởi đường Quế Dương, rau muống tiến vua Sen Chiểu, húng Láng... trở thành sản phẩm OCOP. Những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của những vùng đất ấy nếu được “gắn sao” OCOP sẽ giúp cho sản phẩm vừa tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá nét văn hóa vùng miền. Thành phố cũng sẽ phát triển các sản phẩm OCOP du lịch tại những nơi có lợi thế như Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn... gắn văn hóa và các sản vật địa phương để hình thành chuỗi du lịch...

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, mỗi năm Hà Nội đón gần 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 5 triệu khách quốc tế. Nếu mỗi du khách đến Hà Nội du lịch mua một món quà thì sẽ kích cầu rất lớn cho sản phẩm OCOP bởi đa số các sản phẩm này mang nét đặc trưng, tinh hoa văn hóa vùng miền và tâm tư tình cảm của người Hà Nội gửi vào mỗi sản phẩm OCOP. Chưa kể, thành phố cũng có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống và làm việc, nhu cầu sử dụng các sản phẩm OCOP là rất lớn.

Vậy, làm thế nào để Hà Nội khai thác được lợi thế này? Ông Nguyễn Xuân Đại chỉ ra rằng: “Sản phẩm làng nghề và các sản phẩm nông sản chế biến của Hà Nội có chất lượng rất ổn. Tuy vậy, cái yếu của sản phẩm OCOP Hà Nội đó là thiết kế sáng tạo. Người tiêu dùng ngày nay không còn tâm lý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” như xưa mà yêu cầu sản phẩm phải “đẹp từ trong ra ngoài”, từ chất lượng đến mẫu mã. Sản phẩm OCOP của Hà Nội cần phải đầu tư nhiều hơn cho khâu thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng vùng miền, từng quốc gia mà sản phẩm hướng tới”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề qua hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm giúp các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng hơn.

Về lâu dài, Thành phố cần đưa việc tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa của các làng nghề, các nông sản đặc sản địa phương vào các trường học để giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu và niềm tự hào quê hương, từ đó tạo động lực để thế hệ tương lai có ý thức từ nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển vốn quý đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ðưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.