(HNMO) - Ngày 27-10, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo khoa học tâm lý - tâm thần Việt - Pháp năm 2018 với chủ đề “Rối loạn tâm lý - tâm thần ở trẻ em: Tiếp cận xuyên văn hóa”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, cơ cấu bệnh lý tâm thần có nhiều thay đổi. Trong đó, các rối loạn tâm thần ở trẻ em và vị thành niên như: Rối loạn tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu trẻ em, rối loạn cảm xúc hành vi… có sự gia tăng.
Các nghiên cứu, khảo sát ở Việt Nam những năm gần đây chỉ ra, tỷ lệ học sinh có các vấn đề sức khoẻ tâm thần khá cao. Một nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho thấy, có khoảng từ 15-17% trẻ em và vị thành niên có vấn đề sức khoẻ tâm thần. Ngoài ra, một nghiên cứu trên 1.727 học sinh trung học cơ sở cho thấy, 25% học sinh cần tham vấn sức khoẻ tâm thần (trong đó có 50% số học sinh này có bệnh lý tâm thần cần can thiệp).
Như vậy, nhu cầu can thiệp sức khoẻ tâm thần cho trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, nhận thức của xã hội và gia đình bệnh nhi về các rối loạn tâm lý, tâm thần còn thiếu, làm hạn chế việc trị liệu.
Trong khuôn khổ hội thảo, có 10 báo cáo khoa học đề cập đến rối loạn trầm cảm, tự kỷ và các rối loạn liên quan đến stress ở trẻ em khởi phát rất sớm. Các nhà tâm thần, tâm lý học đã chứng minh rằng, yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến ngôn ngữ, ứng xử, nhận thức của mỗi con người đối với thực tại và ảnh hưởng đến tác động của stress lên mỗi nhân cách. Do đó, việc vận dụng những yếu tố tích cực của văn hóa lên yếu tố tiêu cực của stress là một trong những phương pháp phòng, chữa các rối loạn tâm lý, tâm thần có hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.