(HNMO) - Ngày 11-12, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cùng đại diện các bộ, ban, ngành chức năng.
Dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng đại diện các ban, sở, ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta giảm nhanh, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm. Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên.
"Kết quả giảm nghèo ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong giai đoạn này, cả nước đã đầu tư khoảng 93.608 tỷ đồng để thực hiện các chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đúng người, đối tượng, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, hoàn cảnh của người nghèo và đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương. Từ các nguồn lực trợ giúp và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 1,53%/năm trong giai đoạn 2016-2020, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 2,75% tổng số hộ.
Tại Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, trừ một số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Đáng ghi nhận hơn, Hà Nội có 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Đó là các quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân và các huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm... Với những kết quả đạt được, Hà Nội được đánh giá là điểm sáng của cả nước trong công tác giảm nghèo...
Tương tự thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho hay, công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố trong giai đoạn vừa qua đã đi vào thực chất, tạo sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có điểm tựa vươn lên. Đến nay, thành phố giảm còn 0,13% hộ nghèo và 0,61% hộ cận nghèo; 5 quận không còn hộ nghèo…
Với địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh Hà Giang, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 cũng đạt kết quả ấn tượng. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chiếm tới 43,65% tổng số hộ, thì hiện nay, tỷ lệ này giảm còn 21,12% (bình quân mỗi năm giảm 4,2%).
“Tỷ lệ hộ nghèo giảm đồng nghĩa cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang được nâng lên, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm. Thành viên thuộc hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để khám, chữa bệnh. Con, em các gia đình thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng để đến trường. Đó là những minh chứng rõ nhất để khẳng định, các cơ quan chức năng và cộng đồng luôn chung tay hỗ trợ giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý nhấn mạnh.
Tạo động lực để người nghèo vươn lên
Mục tiêu cao nhất của các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo là giảm nghèo bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định dựa trên khả năng của chính họ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa thực sự bền vững.
“Tỷ lệ tái nghèo còn cao, bình quân là 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 50%. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hơn 50%”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phản ánh.
Theo ý kiến trao đổi của đại diện các ngành, địa phương, nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững là do nguồn lực đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số chính sách đầu tư còn dàn trải, thiếu tính hệ thống, khiến các địa phương gặp khó khăn trong quá trình triển khai hỗ trợ.
Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ giảm nghèo, không để người nghèo bị ở lại phía sau, đại diện các ngành, địa phương thống nhất kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025” theo hướng bổ sung các giải pháp tạo sinh kế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người nghèo, giúp họ tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo, chủ động của các ngành, địa phương trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020; đồng thời biểu dương tinh thần, ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của các cá nhân, gia đình. Điều này góp phần quan trọng giúp Việt Nam về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ về công tác giảm nghèo, trở thành hình mẫu về công tác giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, những năm gần đây, nước ta dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, cao nhất trong khối ASEAN. Nhờ đó, 100% người nghèo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nước ta đã triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ cho hơn 13 triệu lượt người bị ảnh hưởng sâu bởi Covid-19. Qua đó càng thấy rõ hơn, Đảng, Nhà nước ta luôn coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc.
Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ban, ngành chức năng phối hợp xây dựng nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững cho những năm tiếp theo; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các chương trình, nghị quyết cần tập trung vào mục tiêu xuyên suốt “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”.
Cùng với đó, các chương trình, hỗ trợ giảm nghèo cần triển khai theo hướng đa chiều, tạo động lực, đòn bẩy để người nghèo vươn lên, trong đó ưu tiên trẻ em, người khuyết tật, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau. Việc hỗ trợ giảm nghèo cần chú trọng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho các vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo được học tập nâng cao trình độ, được đào tạo nghề, tiếp cận việc làm, nâng cao dân trí…
Với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai các chính sách giảm nghèo theo hướng sáng tạo, hiệu quả. Các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng mô hình giảm nghèo tại cộng đồng phù hợp với đặc thù của từng địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở. Trước mắt, các địa phương ưu tiên nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, sửa chữa trường, lớp học bị xuống cấp, để 100% học sinh được đến trường…
"Giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ, mà phải bằng trái tim. Do đó, các đơn vị, địa phương và những người trực tiếp tham gia vào công tác hỗ trợ giảm nghèo cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, quan tâm đến mọi mặt cuộc sống của người nghèo để các nguồn lực hỗ trợ đến đúng người, đối tượng, hoàn cảnh. Chính quyền các địa phương phải làm thế nào để huy động người dân chung tay hỗ trợ giảm nghèo, giúp tuyệt đại bộ phận người dân có thu nhập, bảo đảm cuộc sống”, Thủ tướng nói.
Đối với người dân, Thủ tướng Chính phủ mong muốn mỗi người, mỗi gia đình phát huy tinh thần, ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo. Những người có điều kiện tốt hỗ trợ những người khó khăn hơn. Theo Thủ tướng, việc hỗ trợ giảm nghèo dù nhỏ, nhưng được thực hiện với tình yêu lớn, trách nhiệm lớn của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội, chắc chắn công tác giảm nghèo ở nước ta trong những năm tiếp theo sẽ đạt kết quả toàn diện, bền vững hơn.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho 2 tập thể và Huân chương Lao động hạng Ba cho 7 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Cũng tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trao giải Cuộc thi báo chí về công tác giảm nghèo năm 2020 cho đại diện các tác giả, cá nhân đoạt giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.