HLV Miura quyết không lộ bài trước giai đoạn khốc liệt nhất của AFF Cup năm nay, nhưng nếu đế ý thật kỹ cách chơi của đội tuyển Việt Nam trước Lào, có thể loáng thoáng nhìn ra phương án tiếp cận cầu môn mới của vị HLV người Nhật.
Nếu trong trận đấu với Indonesia, người ta rất ít thấy các hậu vệ biên của ĐTVN dâng cao tấn công, chủ yếu do các cầu thủ của chúng ta vốn là những trung vệ được điều sang đá cánh, nên không giỏi trong việc leo biên.
Ngoài ra, cũng trong trận đấu ấy, vị HLV người Nhật cần sự an toàn nơi hàng phòng ngự (ông Miura sử dụng đến 2 tiền vệ phòng ngự ở giữa sân), nên các hậu vệ biên cũng ít dâng cao hơn trước.
Thế nhưng, trong trận đấu với Lào, nhất là trong hiệp 1, người ta thấy một lối chơi khác từ 2 biên của ĐTVN. Ở biên trái, khi Văn Biển thay Xuân Thành, Văn Biển rất chịu khó dâng cao.
Trong nửa thời gian thi đấu đầu tiên của trận gặp Lào, Văn Biển 5 – 7 lần xộc thẳng vào khu vực 16m50 của đối phương, tìm cách nhận bóng từ phía các đồng đội. Hầu hết những pha bóng ấy chưa mang lại hiệu quả cao, nên ít người để ý, nhưng kỳ thực đó có thể là miếng đánh mà HLV Miura đang muốn các cầu thủ của mình thuần thục, hòng sử dụng khi cần.
ĐTVN qua 2 trận đầu tiên sử dụng 2 lối đá hoàn toàn khác nhau (ảnh: Gia Hưng) |
Với một hậu vệ, nhất là hậu vệ biên, việc xuất hiện trong khu vực 16m50 của đối phương đã được coi là hiếm. Đằng này, hậu vệ biên ấy cứ đột kích liên tục lặp đi lặp lại, thì càng không thể nói đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là phương án được chuẩn bị hẳn hoi.
Đến hiệp 2, HLV Miura ít sử dụng cách đá này nữa. Có thể lúc đó ông cảm thấy chiến thắng đã gần trong tầm tay, đồng thời như đã nói, ông chẳng dại gì để lộ hết các miếng đánh một khi không thấy cần thiết phải làm việc ấy.
Đừng lạ khi ĐTVN chủ yếu đá bóng bổng trước Lào. Thứ nhất, vị HLV người Nhật đã chủ động cất 2 cầu thủ có kỹ thuật tốt nhất của đội tuyển là Thành Lương và Văn Quyết trên băng ghế dự bị. Thứ hai, Lào chủ động phòng ngự bằng chiến thuật “xe buýt 2 tấng”. Đá với một đội có tư tưởng phòng ngự số đông thì thường cách tốt nhất là dùng bóng bổng.
Giai đoạn khó khăn nhất vẫn ở phía trước
Cơ hội vào bán kết của ĐTVN hiện rất cao. Tuy nhiên, nếu mục tiêu là tiến sâu nhất có thể, thì giai đoạn khó khăn nhất của chúng ta vẫn còn ở phía trước.
Khi đó, chúng ta cần những bài bản mới, đủ để gất bất ngờ cho đối thủ. Với cách thi đấu trước Làoa, có vẻ như HLV Miura đang chuẩn bị cho điều đó. Đấy là cách đá mà ĐTVN dường như cũng không muốn thắng đậm bằng mọi giá. Chủ yếu vị HLV người Nhật dùng trận đấu với Lào cho những thử nghiệm cả về con người lẫn lối chơi.
Cũng đừng xem lối đá bóng bổng của ĐTVN trước Lào là vô bổ. Ở Đông Nam Á hiện nay, không thiếu đội thích dùng cách phòng ngự số đông làm lối chơi chủ đạo, như Philippines, hay Singapore.
Cứ xem như việc đá bóng bổng trước Lào là một hình thức tập luyện cho những đối thủ dạng đấy, ở những giai đoạn tiếp theo của giải, nếu chúng ta tiến sâu vào giải đấu.
Không có lối đá nào là tối ưu hoàn toàn, tùy từng đối thủ và tùy từng thời điểm mà phải sử dụng các lối đá khác nhau. Rồi người ta cũng chỉ sợ dạng đội chỉ biết đá đúng 1 kiểu trước bất kỳ đối thủ nào (trừ khi đó là lối đá Tiqui-taca thượng đẳng của Barcelona thời vàng son, khi họ sở hữu quá nhiều siêu kỹ thuật gia hàng đầu thế giới).
Thành ra, cho dù ĐTVN của HLV Miura chơi bóng bổng chưa thuần thục đi chăng nữa thì đấy vẫn là cách chuẩn bị cho chặng đường còn trước mắt.
Chúng ta càng có nhiều lối đá khác nhau, đối phương càng khó đoán. Một đội bóng nguy hiểm là một đội bóng mà đối thủ không thể đoán được là họ sẽ chơi theo kiểu nào. Rồi một đội bóng nguy hiểm là một đội bóng biết hướng đến mục đích của mình theo cách đơn giản nhất, đỡ tốn sức nhất.
Đội bóng của HLV Miura khi đá với Lào chính là hình ảnh mà chúng ta hay thấy ở Singapore hay Philippines, những đội thoạt nhìn rất chán, đá rất đơn giản, nhưng kỳ thực lại cực kỳ hiệu quả. Mà ở Đông Nam Á hiện nay, đâu ai dám nói Philippines và Singapore là đội yếu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.