Cơ hội vào lớp 10 rộng mở, phụ huynh và học sinh cần sáng suốt lựa chọn trường phù hợp với năng lực học tập của các em.
Trước những lo ngại của phụ huynh về cơ hội cho con vào lớp 10 trường công lập ở bị thu hẹp, mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã trấn an tinh thần của phụ huynh khi cho biết, theo quyết định của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, trong số 81.500 học sinh từ lớp 9 thi lên lớp 10 năm nay có khoảng 60% số em học trường THPT công lập. Số còn lại sẽ học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp và THPT ngoài công lập.
So với năm 2015, số học sinh từ lớp 9 thi lên lớp 10 năm nay giảm khoảng 4.000 học sinh. Do vậy, sức ép vào các trường THPT công lập giảm hơn so với năm ngoái nên số lượng, cơ hội để học sinh vào các trường công lập sẽ nhiều hơn vì số chỉ tiêu vào các trường công lập là không thay đổi. Như vậy, không có chuyện thiếu hụt chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10.
Trong thi tuyển vào lớp 10 công lập, mỗi học sinh đều được quyền đăng ký thi vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh. Ngoài 2 trường công lập này, học sinh nào được xếp loại học lực từ Khá trở lên còn được đăng ký nguyện vọng vào 2 trong số 4 trường chuyên ở Hà Nội gồm: Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chuyên Chu Văn An, THPT Chuyên Sơn Tây và THPT Chuyên Nguyễn Huệ.
Còn thí sinh nào muốn thi vào các trường chuyên ở các trường ĐH thì ngoài xếp loại học lực từ Khá trở lên thì phải xem xét thêm các điều kiện thi tuyển mà các trường chuyên của các trường ĐH đưa ra.
Mặt khác, ngoài các trường THPT công lập, trường chuyên, các em học sinh còn có thể đăng ký xét tuyển vào các trường THPT ngoài công lập.
Phụ huynh và học sinh phải biết chọn trường phù hợp
Với những giải thích của Sở GD-ĐT Hà Nội, như vậy, năm nay, học sinh có rất nhiều cơ hội để chọn trường học phù hợp với năng lực, sở thích của mình.
Tuy vậy, học sinh cần phải biết chọn trường học sao cho phù hợp với bản thân. Còn phụ huynh cần phải rất bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn trường học phù hợp với năng lực học tập, chứ không nên chạy theo phong trào là phải chọn trường có tên tuổi, thương hiệu vì còn phải tính là con em mình có theo kịp với năng lực học tập cùng với các bạn ở trường đó không.
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng, nếu như mọi năm, học sinh thi vào lớp 10 trường công lập phải cạnh tranh gay gắt thì năm nay, cơ hội chọn trường THPT của học sinh được nới rộng hơn vì số học sinh từ lớp 9 thi lên lớp 10 năm nay giảm khoảng 4.000 em.
Mặt khác, lịch thi vào các trường chuyên của Hà Nội và trường chuyên của các trường ĐH không trùng nhau cũng như cơ hội xét tuyển vào các trường THPT ngoài công lập cũng nhiều nên học sinh cần cân nhắc kỹ khi chọn trường.
Theo ông Ngô Văn Chất, ngoài việc chọn trường phù hợp với năng lực, thí sinh cần phải tính đến xem trường đó có thuận tiện với nơi thường trú, đi lại của các em không. Vì thời gian học THPT là 3 năm, nếu đi học quá xa cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như việc học tập của các em.
Đối với học sinh không thích học trường công lập mà muốn đăng ký xét tuyển vào trường ngoài công lập có lượng hồ sơ xét tuyển cao hơn chỉ tiêu thì phụ huynh cũng cần tính đến tài chính của gia đình khi cho học ở những trường này. Còn về phía học sinh cũng cần lưu ý đến thời gian xét tuyển và những điều kiện của những trường này đưa ra là gì, liệu có đáp ứng được các tiêu chí mà trường đưa ra không.
Bà Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội) cho biết, số lượng học sinh lớp 9 năm nay ít hơn so với các năm nên tỷ lệ chọi cũng chỉ “sàn sàn” như những năm trước. Phụ huynh nào cũng muốn con học ở những trường có chất lượng giảng dạy tốt. Tuy nhiên, việc chọn trường cũng cần phải dựa vào năng lực học tập thực tế và sở trường của các em.
Theo bà Phan Thị Luyến, hiện có những trường THPT tập trung vào giảng dạy kiến thức để tập trung cho các kỳ thi và có những trường THPT lại đào tạo theo hướng rèn luyện kỹ năng, phẩm chất cho học sinh. Phụ huynh và học sinh cần cân nhắc chọn trường cho phù hợp cho con.
Đại diện trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, thi vào lớp 10 cũng như thi đại học, học sinh cần phải xác định năng lực, sở trường của mình ở mỗi môn thi để có kết quả cao. Bởi có nhiều em học đến lớp 9 vẫn chưa thể hiện rõ năng lực của mình ở các môn thi vào lớp 10 THPT.
Còn theo đại diện trường THPT Đông Anh (Hà Nội), năm nay, tỷ lệ chọi vào các trường công lập cũng như các năm. Tuy nhiên, trong thi cử cũng có học sinh trượt, học sinh đỗ nên thông qua kỳ thi cũng biết được năng lực của mỗi em. Những học sinh có năng lực học tốt sẽ đỗ được vào các trường công lập, trường chuyên, còn lại các em phải học các trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Điều đó là bình thường, phụ huynh và học sinh không nên quá cầu toàn ở con mình là phải học ở trường chất lượng tốt vì đâu cứ phải học lên cao thì cánh cửa vào đời sẽ trở nên rộng mở. Còn rất nhiều con đường khác như các em có thể học nghề mà mình yêu thích cũng như phát huy tài năng của mình ở những lĩnh vực khác.
Thi vào lớp 10 là bước ngoặt đầu đời của học sinh trong việc xác định việc tiếp tục học tập lên cao hơn hoặc định hướng chuyển sang học nghề phù hợp với năng lực, sở trường của các em. Vì vậy, việc các trường THCS có những hoạt động tư vấn chọn trường, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ sớm là rất cần thiết./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.