Tuyển sinh

Tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập: Còn nhiều lựa chọn nếu không trúng tuyển

Thống Nhất 23/05/2024 - 06:27

Hơn hai tuần nữa, hơn 106.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025.

Bên cạnh việc tập trung ôn luyện, thời điểm này, các gia đình học sinh cũng dành sự quan tâm lớn đến việc tính toán, tìm kiếm phương án dự phòng trường hợp con không trúng tuyển lớp 10 trường công lập. Việc tăng tính chủ động của gia đình học sinh giúp các em giảm áp lực kỳ thi.

giao-vien-truong-trung-hoc-.jpg
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) hướng dẫn học sinh lớp 9 ôn tập. Ảnh: Nguyễn Quang

Đa dạng các loại hình

Năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho 119 trường trung học phổ thông công lập là 81.200 học sinh. Số học sinh đã đăng ký tham dự kỳ thi này là 106.000 em. Như vậy, sẽ có gần 25.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 trường công lập. Câu hỏi được nhiều gia đình học sinh quan tâm nhất thời điểm này là nếu không trúng tuyển lớp 10 trường công lập, các em có thể theo học loại hình trường nào trên địa bàn Hà Nội.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Hà Thành (một trong những trường tư thục lớn ở Hà Nội thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Viết Cẩn cho biết, năm học 2024-2025, nhà trường được giao 495 chỉ tiêu, cao hơn năm trước 35 chỉ tiêu. Học sinh có thể dự tuyển bằng học bạ cấp trung học cơ sở hoặc sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Thời gian nhận hồ sơ dự tuyển từ nay đến ngày 30-7... Cùng với Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Hà Thành, tại các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều có trường trung học phổ thông tư thục tổ chức tuyển sinh vào lớp 10.

Với lợi thế tuyển học sinh toàn thành phố, không phân biệt khu vực tuyển sinh như những trường trung học phổ thông công lập, thời điểm này, học sinh có thể đăng ký dự tuyển tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Giải đáp mối băn khoăn của nhiều học sinh về việc bằng tốt nghiệp chương trình giáo dục thường xuyên có gì khác biệt với bằng tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông hay không, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Sơn Tây Nguyễn Văn Toàn cho biết, khi hoàn thành chương trình lớp 12, học viên đủ điều kiện được tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Bằng tốt nghiệp của học viên giáo dục thường xuyên không có gì khác biệt so với học sinh lớp 12 trường công lập. Các em hoàn toàn có thể tiếp tục học ở bậc học cao hơn mà không có khó khăn gì.

Ngoài ra, học sinh còn có thể đăng ký dự tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Lợi thế của chương trình này là khi tốt nghiệp, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa, vừa có bằng nghề.

Lường trước các tình huống

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025 sẽ diễn ra vào ngày 8 và 9-6. Thời gian từ nay tới kỳ thi không còn dài, vì vậy, việc chăm sóc, hỗ trợ học sinh ôn tập được giáo viên, các bậc cha mẹ học sinh ưu tiên cao nhất.

Ghi nhận thực tế, nhất là trên các diễn đàn, hội nhóm cho thấy, khác với năm trước, các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn trong việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cũng như duy trì tâm lý ổn định, tự tin cho con. “Từ câu chuyện của một bà mẹ kể về việc do áp lực ôn tập dài ngày cộng với việc bị căng thẳng quá mà con bị mệt lả, kiệt sức, phải bỏ dở môn thi thứ ba, dẫn đến việc không đủ điều kiện xét tuyển vào lớp 10 trường công lập, chắc chắn gia đình tôi sẽ không tạo áp lực cho con”, bà Trần Thị Hoài Thu, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ) chia sẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Khánh Chi, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình) cho biết, kết quả khảo sát hằng tháng với ba môn toán, ngữ văn và tiếng Anh của con ở trường đều đạt cao và ổn định. Tuy nhiên, lường trước tình huống bất thường có thể xảy ra, gia đình đã chủ động có phương án dự phòng là đăng ký dự tuyển cho con vào một trường trung học phổ thông tư thục phù hợp. Thời điểm này, việc ôn luyện đã ở giai đoạn nước rút, gia đình động viên con tự tin, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.

Trước thông tin về số lượng học sinh lớp 9 năm nay tăng hơn khoảng gần 5.000 em so với năm học trước, có thể dẫn đến nguy cơ học sinh thiếu chỗ học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng học tập của học sinh. Năm học 2024-2025, ngoài hệ thống các trường trung học phổ thông công lập, Hà Nội còn có hơn 100 trường tư thục, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và gần 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh lớp 10. Chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập là 81.200 học sinh; còn lại 51.800 học sinh sẽ được tuyển vào các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Chủ trương được thành phố Hà Nội duy trì nhiều năm nay là bảo đảm chỗ học cho 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Ngành Giáo dục Hà Nội đã và đang tích cực tham mưu với thành phố triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn để mở rộng quy mô, mạng lưới trường học, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô”, ông Trần Thế Cương thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập: Còn nhiều lựa chọn nếu không trúng tuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.