Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh ĐH-CĐ: Trong “cái khó” đã “ló cái khôn”

Phương Nhung| 30/06/2013 05:58

(HNM) - Ít ngày trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, công tác tổ chức thi tại các cụm thi, các trường có thể coi là đã hoàn tất.

Chấp nhận chịu phạt

Khi nhận được công văn hướng dẫn thanh tra tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, trong đó Bộ GD-ĐT yêu cầu không tổ chức thi tại các trường tiểu học để tránh bất tiện cho thí sinh vì phải ngồi làm bài thi trên bàn ghế quá nhỏ, đại diện nhiều trường cho biết sẽ chấp nhận bị phạt bởi hướng dẫn đưa ra muộn, các trường trở tay không kịp.

Năm 2013, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ có nhiều đổi mới. Ảnh: Viết Thành


Biết rõ yêu cầu này nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, song nhiều trường ĐH "lực bất tòng tâm" với nhiều lý do: Thí sinh thi quá đông, lượng phòng thi phải bố trí nhiều; không muốn thuê địa điểm ở xa ảnh hưởng đến công tác giao đề, giám thị đi lại khó khăn; do hạn chế về kinh phí... Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn Đinh Thị Mai cho biết: Mọi năm, Bộ GD-ĐT đều có nhắc đến vấn đề này nhưng chỉ quy định "mềm" là "không nên". Trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội), hầu như trường nào cũng được tận dụng để thuê làm điểm thi ĐH thì mới đủ chỗ. Với Trường ĐH Công đoàn, năm nay, lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng đột biến, lên tới hơn 27 nghìn em, tăng khoảng 10 nghìn so với năm 2012. Số thí sinh này được phân ra 18 điểm thi. Trong khi đó, năm nay, một số trường trên địa bàn quận Đống Đa đến phút cuối lại hủy hợp đồng, không cho thuê nữa. Chính vì vậy, ĐH Công đoàn phải tìm kiếm điểm thi ở cả quận Hai Bà Trưng và xa hơn là Tây Hồ, Hà Đông.

Các năm trước, nhiều trường cho biết đã chấp nhận chọn địa điểm thi xa, song giải pháp đó cũng có nhiều bất cập. Phó hiệu trưởng Đinh Thị Mai lý giải: "Thường chúng tôi phải đi từ 4h để lấy đề, mỗi tuyến giao đề phải đến 5 điểm thi. Nếu các điểm thi ở xa sẽ khó bảo đảm giao đề đúng thời gian và gây khó khăn cho sinh viên làm nhiệm vụ coi thi vì nhiều em không có xe máy. Trường cũng quán triệt, các em không được đi xe buýt khi làm nhiệm vụ thi".

Bên cạnh đó, hầu hết các trường có điểm thi tại trường tiểu học đều khẳng định, tại thời điểm Bộ có yêu cầu không tổ chức thi tại trường tiểu học, việc thay đổi điểm thi là bất khả thi vì giấy báo đã được gửi cho thí sinh. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đã khẳng định sẽ chưa xử lý phạt các trường vì lỗi này ngay trong năm nay. Tuy nhiên, các trường vẫn phải bảo đảm đúng quy định khoảng cách giữa các thí sinh khi sắp xếp phòng thi. Về lâu dài, Bộ sẽ xem xét tính khả thi để có quy định cụ thể về việc này.

Thêm sáng kiến hay!

Năm nay là năm thứ hai thực hiện quy định cho phép các thí sinh dự thi ĐH, CĐ được phép mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình với yêu cầu thiết bị này phải không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh và không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi,...). Tuy nhiên, nhiều trường ĐH vẫn khá lo lắng trước quy định này và cho rằng, vì đây là năm thứ hai thực hiện, thông tin này đã được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nên có thể xuất hiện nhiều thiết bị tinh vi, khó kiểm soát.

Trước thực tế này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có "sáng kiến" yêu cầu thí sinh mang thiết bị như trên vào phòng thi phải kèm theo giấy chứng nhận chức năng sử dụng của nhà sản xuất, bằng tiếng Việt. Ông Đinh Trọng Việt, Phó trưởng phòng đào tạo (ĐH Bách khoa Hà Nội), giải thích: "Các thiết bị ghi âm, ghi hình hầu hết được sản xuất ở nước ngoài nên tính năng của từng thiết bị không thể kiểm soát được. Vì vậy, các trường phải có giải pháp để làm sao vừa thực hiện đúng quy chế của Bộ GD-ĐT, vừa bảo đảm được tính an toàn của kỳ thi. Do đó, theo tôi, việc yêu cầu thí sinh xuất trình kèm theo thiết bị giấy chứng nhận của nhà sản xuất, nói rõ các tính năng kỹ thuật là cần thiết".

Cũng theo ông Việt, trong đợt tập huấn vừa rồi, vấn đề thiết bị ghi âm, ghi hình đã được trường đề cập rất chi tiết, trong đó chủ yếu đi sâu vào các nguyên tắc xử lý tình huống. Cụ thể, yêu cầu đối với thiết bị ghi âm, ghi hình sẽ được giám thị phổ biến cho thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi ngày 3-7. Với các tình huống phát sinh, giám thị phải báo cáo ngay với ban chỉ đạo điểm thi, từ đó có ý kiến lên ban chỉ đạo trường để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất.

Với "sáng kiến" của ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều người cho rằng, các thí sinh có ý định mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi sẽ cảm thấy rắc rối, phiền hà mà bỏ ý định đó. Các giám thị cũng đỡ phần trách nhiệm phải xác định chức năng của thiết bị. Thấy rõ quy định này chủ yếu tạo thuận lợi cho công tác quản lý của giám thị, một vài trường cho đây là kinh nghiệm hay và có thể sẽ học tập theo để triển khai trong kỳ tuyển sinh năm 2013.

Để bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 sẽ diễn ra vào ngày 4 và 5-7 (khối A, A1, V); ngày 9 và 10-7 (khối B, C, D, H, M, N, T, R); ngày 15 và 16-7 (thi vào các trường cao đẳng). Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hanoi) không cắt điện cao, trung, hạ thế toàn thành phố Hà Nội trong các thời gian chuẩn bị thi và thi tuyển sinh; tạo phương thức thích hợp cấp điện ổn định cho các địa điểm in sao đề thi, chấm thi, phúc khảo của các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT trong thời gian phục vụ các kỳ thi tuyển sinh năm 2013. Đối với các công ty điện lực quận, huyện phải chủ động tiến hành kiểm tra đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các địa điểm thi; phương án cấp điện yêu cầu phải có hai nguồn lưới hoặc có phương án dự phòng bằng máy phát điện khi sự cố, lập lịch trực trong các ngày thi và có phiếu thao tác chuyển nguồn; chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, thiết bị, phương tiện để khẩn trương xử lý sự cố hoặc chuyển đổi phương thức dự phòng nhanh chóng cấp điện lại cho các địa điểm thi khi xảy ra sự cố.

Thanh Mai

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hầu hết các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có thuê địa điểm thi là trường tiểu học sẽ tiếp tục chọn điểm thi là các trường tiểu học vì nếu làm lại giấy báo thi sẽ rất rắc rối, hơn nữa sẽ tạo tâm lý và áp lực cho thí sinh. Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh Trần Đình Lý cho rằng: "Văn bản của Bộ đưa ra quá chậm, trong khi nhà trường đã chọn địa điểm từ trước. Trường chấp nhận chịu phạt nhưng sẽ bố trí cho thí sinh mỗi người một bàn để các em có thể ngồi thoải mái". Theo ông Lê Quan Nghiệm, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh: "Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi tại các trường tiểu học là đúng đắn, nhưng ở TP Hồ Chí Minh, không thuê trường tiểu học thì không lấy đâu ra chỗ".

Anh Thư
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh ĐH-CĐ: Trong “cái khó” đã “ló cái khôn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.