Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Giảm gánh nặng xã hội

Quỳnh Phạm| 23/01/2013 06:32

(HNM) - Những thay đổi đáng chú ý trong kỳ thi năm 2013 đã được Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị tuyển sinh được tổ chức ngày 22-1: Mỗi trường sẽ chấm thanh tra 10% số bài thi, quy định mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày, rút ngắn tổng thời gian xét tuyển... Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tỏ ý tìm phương án khác để xác định điểm sàn và dù còn có ý kiến, Bộ GD-ĐT kiên quyết giữ quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

Năm 2013, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ có nhiều đổi mới. Ảnh: Nhật Nam


Cần có sự điều chỉnh

Năm vừa qua, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi giảm xấp xỉ 7,3% so với năm 2011. Theo ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, số hồ sơ giảm cho thấy tác động tích cực từ công tác hướng nghiệp ở các trường THPT và công tác tư vấn tuyển sinh của các trường. Việc cho phép thí sinh (TS) mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi nhằm tăng cường sự giám sát xã hội đối với công tác tổ chức thi đã góp phần siết chặt kỷ luật phòng thi.

Cũng theo ông Ngô Kim Khôi, tại một số hội đồng tuyển sinh, cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng thi chật hẹp, không bảo đảm quy định về khoảng cách giữa các TS, số lượng TS/phòng; nghiệp vụ coi thi của một số cán bộ còn hạn chế. Kết quả chấm thẩm định cho thấy công tác chấm thi của một số trường còn sai sót, không chấm 2 vòng độc lập như quy định, có biểu hiện đánh dấu bài… Nhiều trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt quá năng lực và điều kiện bảo đảm chất lượng; không đủ năng lực tuyển sinh nhưng vẫn đề xuất chỉ tiêu mới.

Về việc một số trường chật vật nhưng vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu, hoặc tuyển được quá ít TS, Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều nguyên nhân: Trường không có sức hút đối với TS, điều kiện bảo đảm chất lượng chưa đầy đủ, ngành đào tạo đơn điệu. Tình hình đất nước khó khăn, hàng vạn doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, tác động đến tâm lý TS, nhất là TS đăng ký dự thi vào các trường, ngành thuộc khối kinh tế, quản trị kinh doanh. Nhiều trường công lập tốp trên, kể cả trường tư thục có tiếng đã tuyển vượt chỉ tiêu, khiến nguồn tuyển vào các trường khác bị hạn chế. Việc kéo dài thời hạn xét tuyển và cho một số trường thuộc vùng được ưu tiên hạ điểm sàn cũng gây khó khăn cho một số trường trong việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh.

Về những điểm mới áp dụng ở mùa thi trước, Bộ GD-ĐT thừa nhận có một số bất cập. Như với việc kéo dài thời hạn xét tuyển đến hết ngày 31-11 hằng năm và các trường tự quy định thời gian xét tuyển, có trường thông báo thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển quá ngắn, gây khó khăn cho TS, nhất là TS vùng sâu, vùng xa. Thực tế cho thấy cần điều chỉnh về số ngày/đợt xét tuyển, thời hạn kết thúc xét tuyển nhằm tạo thuận lợi cho các trường và TS, bảo đảm tính khả thi cho kỳ thi năm 2013.

Quy định (bắt đầu áp dụng năm 2012) cho phép TS mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi cũng nhận được nhiều ý kiến. Có hiệu trưởng cho rằng đó là quyết định "chiều theo dư luận xã hội, gây sức ép cho ngành". Trước những bức xúc tương tự, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Đây không phải là sáng kiến của Bộ GD-ĐT mà là vấn đề thực tiễn phát sinh. Nếu không cho phép thì TS vẫn mang thiết bị vào, tốt hơn cả là giành thế chủ động: Cho phép ghi âm, ghi hình, nhưng quy định rõ nếu cần thì nộp ở đâu, nếu tự ý phát tán gây hậu quả thì sẽ bị xử lý như thế nào. "Trên hết là sự kiểm soát vô hình, buộc tất cả lực lượng tham gia kỳ thi phải nghiêm túc".

Tại Hội đồng thi Trường ĐH Ngoại thương kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Ảnh: Viết Thành


Mời các trường cùng xác định phương án điểm sàn

Năm 2013, Bộ GD-ĐT tiếp tục giao các trường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20-8-2013. Thời hạn kết thúc xét tuyển sẽ rút ngắn lại một tháng, tức là 30-10-2013 thay vì 31-11 như năm ngoái.

Một số chính sách ưu tiên được áp dụng như: Tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp trung học. Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các huyện nghèo và học sinh của 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ được ưu tiên xét tuyển và phải học dự bị 6 tháng…. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013, Bộ chủ trương giữ ổn định với khối ĐH, CĐ chính quy. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu, theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc TCCN trong các trường ĐH tiếp tục giảm theo lộ trình giảm 20%/năm, chấm dứt đào tạo TC trong các trường ĐH trước năm 2017.

Một trong những điểm mới tại kỳ tuyển sinh năm 2013 được chú ý nhiều là việc các trường phải bổ sung Ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban này có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận.

Bên cạnh việc 10 trường văn hóa nghệ thuật được thí điểm tự chủ tuyển sinh từ năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, theo quy định thì các trường đều được tuyển sinh riêng, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Trường nào muốn tuyển sinh riêng phải có đề án, thể hiện rõ năng lực, nguyên tắc chung là không làm phát sinh tiêu cực như học - dạy thêm, không tăng gánh nặng cho xã hội, bảo đảm tính nghiêm túc. Trường đủ điều kiện sẽ được tự chủ tuyển sinh.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đề nghị các trường cùng bàn phương án xác định điểm sàn. Cần tìm giải pháp đơn giản nhất, được chấp nhận rộng rãi và xã hội có thể giám sát được. Đại diện các trường ĐH dân lập tỏ ý hài lòng với ý kiến này.

Giảm chỉ tiêu những ngành đã vượt xa nhu cầu

Cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác giáo dục đại học (GDĐH) trong năm 2012, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2012-2013. Theo Vụ Giáo dục ĐH từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã bắt đầu hạn chế mở ngành kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh; khuyến khích mở ngành đào tạo kỹ thuật, công nghệ, khoa học cơ bản. Những sai phạm trong việc xác định chỉ tiêu, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, liên danh liên kết đào tạo, đào tạo liên thông... đã được chấn chỉnh. Năm học 2012-2013, năm đầu tiên thực hiện Luật GDĐH, Bộ GD-ĐT quyết tâm siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng. Bộ chủ trương tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo liên thông chính quy. Với đào tạo sau ĐH, Bộ sẽ giảm mạnh chỉ tiêu các ngành đã vượt xa nhu cầu xã hội. Công tác thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường trên diện rộng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Giảm gánh nặng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.