Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Những mối lo cũ

Thống Nhất| 20/05/2013 06:05

(HNM) - Giải pháp nào sẽ được triển khai khi số lượng học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp đều tăng?

Các trường trên địa bàn Hà Nội sẽ đáp ứng đủ nhu cầu và đủ điều kiện học tập cho 100% học sinh trong độ tuổi. Ảnh: Bảo Lâm


Tạo điều kiện học tập cho mọi HS

Năm học 2013-2014 mặc dù số lượng HS tiểu học tăng hơn 11 nghìn em, số vào lớp 6 tăng hơn 4 nghìn HS, song như các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết là vẫn đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho 100% em trong độ tuổi và đủ điều kiện. Các trường mầm non cũng sẽ huy động 100% trẻ 5 tuổi và hơn 90% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường. Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Quy mô trường, lớp đang ngày càng được mở rộng và phát triển đa dạng về loại hình, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của HS. Chỉ tính trong năm 2012 đã có gần 6.000 phòng học được xây mới. Việc xóa phường "trắng trường" mầm non công lập trong khu vực nội thành đang được đẩy nhanh tiến độ. Hiện 4 trong số 6 phường đã có trường mầm non công lập phục vụ con em nhân dân tại địa bàn. Các nhà trường ở mọi cấp học sẽ tạo điều kiện tốt nhất về quyền lợi học tập cho HS ở mọi địa bàn. Các phương án ưu tiên về chỗ học, đặc biệt là đối với HS lớp 1 - đối tượng tăng nhiều nhất năm nay cũng đã được bàn thảo kỹ. Ngày 30-5, phương án TS cụ thể của từng quận, huyện, thị xã sẽ được niêm yết công khai trên trang web của Sở GD-ĐT để phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường hiểu rõ hơn các quy định của ngành để thực hiện đúng và cùng giám sát việc thực thi.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban chỉ đạo và kiểm tra các kỳ thi TS năm 2013 của Hà Nội, các quận, huyện, thị xã phải tạo điều kiện và bảo đảm cho mọi HS sinh sống trên địa bàn đều có chỗ học trong năm học 2013-2014, kể cả có hộ khẩu thường trú hay chưa. Trong điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp ở một số địa phương còn hạn chế, số lượng HS trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp đều tăng, song Phó Chủ tịch vẫn yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải rà soát số lượng này một cách chính xác, xem nơi nào tăng nhiều, nơi nào ít để chủ động xây dựng phương án TS phù hợp, tuyệt đối không để xảy ra điểm nóng về TS, gây bức xúc cho phụ huynh. Một trong những vấn đề được Phó Chủ tịch đặc biệt lưu ý với các đơn vị khi triển khai công tác TS năm nay là phải chú ý đến những HS sinh sống ở các khu công nghiệp, con của người lao động tạm trú tại địa bàn, tạo thuận lợi nhất về quyền lợi để các em dù là tạm trú tại Hà Nội vẫn được hưởng điều kiện tốt nhất về học tập.

Năm học 2013-2014. các quận, huyện, thị xã phải bảo đảm cho mọi HS trên địa bàn đều có chỗ học. Ảnh: Thu Giang


Những mối lo cũ

Số liệu thống kê của Sở GD-ĐT trong năm học 2012-2013 cho biết tỷ lệ HS trung bình trong một lớp ở cấp THCS là 36,2 HS/lớp, thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ GD-ĐT là 45 HS/lớp. Tỷ lệ này ở cấp tiểu học là 36 HS/lớp (quy định là 35 HS/lớp). Tuy nhiên, ở nhiều trường khu vực ngoại thành, tỷ lệ HS/lớp chỉ khoảng 30 HS/lớp, có nơi dưới 30 HS/lớp. Song ở một số trường trong nội thành lại có số HS bình quân/lớp cao, trên dưới 50 HS/lớp. Rõ ràng là Hà Nội không thiếu chỗ học. Vấn đề ở chỗ HS thường tập trung cục bộ ở một vài trường. Tại sao vậy?

Một trong những lý do cơ bản được xác định là sự không đồng đều về điều kiện dạy học và chất lượng giáo dục giữa các nhà trường. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đoàn Hoài Vĩnh cho biết: Để thu hẹp khoảng cách này, trong kế hoạch tổ chức TS đầu cấp, cùng với ba giảm (giảm số HS trái tuyến, giảm sĩ số HS/lớp, giảm số lớp đối với những trường có quy mô lớn), vài năm nay, Hà Nội đã kiên trì thực hiện ba tăng, trong đó đặc biệt chú ý tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Dù vậy, áp lực TS vẫn còn ở một số nơi, nên năm nay nhiều quận, huyện phải rà soát thực tế để tổ chức phân tuyến lại.

Ghi nhận thực tế đến thời điểm này cho thấy, các đơn vị có số lượng HS tăng nhiều như Sóc Sơn, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Từ Liêm... đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện cần thiết về chỗ học cho mọi HS tiểu học và THCS. Còn ở cấp học mầm non, mối lo nhất lúc này với hầu hết phụ huynh có con trong độ tuổi đến lớp là tìm được một chỗ học ở trường công lập. Với dự báo nhu cầu gửi con của phụ huynh ngày càng tăng, nên nhiều trường mầm non dự kiến phương án TS theo hình thức bốc thăm. 8/8 trường mầm non công lập của quận Tây Hồ sẽ TS theo hình thức này. Quận Thanh Xuân cũng công bố sẽ thực hiện bốc thăm để TS vào các trường mầm non.

Dù không nhận được sự đồng tình của đa số phụ huynh, song đây được coi là phương án phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Hình thức này phần nào giúp ban giám hiệu các trường bớt khó khăn khi rơi vào tình trạng không biết nhận ai, bỏ ai, những hành vi tiêu cực cũng có thể được loại trừ, nhưng điều khiến các nhà giáo và những người quan tâm đến giáo dục không khỏi trăn trở là nhu cầu đi học của trẻ là chính đáng song lại phải trông chờ vào sự may rủi.

Rõ ràng là bên cạnh việc tuyên truyền cho phụ huynh, vẫn cần nhiều hơn nữa sự kiên quyết vào cuộc của các cấp quản lý trong việc quan tâm đầu tư và gương mẫu thực hiện các quy định của ngành, nhất là trong việc phân tuyến TS để cùng làm giảm áp lực TS.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Những mối lo cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.