Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh đại học năm 2022: Giảm thí sinh ảo, tăng tính minh bạch

Thống Nhất| 30/09/2022 10:25

(HNMO) - 17h hôm nay, 30-9, là hạn cuối cho các thí sinh xác nhận nhập học đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non đợt 1, năm 2022 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, công tác tuyển sinh năm nay có nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật, giúp giảm tỷ lệ thí sinh ảo, tăng tính minh bạch, bảo đảm công bằng cao nhất cho thí sinh. Đây cũng là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cùng hoàn thiện phương án tuyển sinh năm 2023.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 tại Hà Nội - Ảnh: Thống Nhất

Tỷ lệ thí sinh ảo giảm

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực. Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm số lượng thí sinh ảo, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, bảo đảm minh bạch. 

Điểm mới đáng chú ý năm nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xét tuyển chung, giúp các trường tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển vào quá nhiều trường, mất cơ hội của những thí sinh khác. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý nguyện vọng chung tạo ra sự bình đẳng, công bằng cho thí sinh và cho các cơ sở đào tạo.

Trên 80% thí sinh đã xác nhận nhập học trên hệ thống. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh so với nhiều năm trước trong xét tuyển đợt 1, trong khi các năm trước, tỷ lệ này tối đa là 63%; năm 2021 chỉ đạt 55,3%. 

Trước ý kiến cho rằng việc lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển khiến các trường không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho rằng, tỷ lệ xác nhận nhập học năm nay cho thấy vai trò cần thiết của việc lọc ảo, giúp các trường giảm được số lượng thí sinh ảo giữa các phương thức xét tuyển. Thí sinh được lựa chọn nguyện vọng đúng ngành, trường mong muốn mà không phải chịu sức ép phải xác nhận nhập học sớm.

Thực tế, việc xét tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm đã được các trường thực hiện từ năm 2021 trở về trước. Thí sinh phải đăng ký xét tuyển và nộp hồ sơ vào nhiều trường, nhiều phương thức xét tuyển, gây mất thời gian, công sức xác nhận giấy tờ của  trường phổ thông. 

Từ những bất cập này, để thí sinh chỉ có thể trúng tuyển với nguyện vọng mong muốn nhất vào một trường, một ngành theo một phương thức xét tuyển, năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tất cả các thí sinh xét tuyển theo các phương thức khác đều phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo các trường tổ chức xét tuyển tất cả các phương thức cùng với thời gian lọc ảo toàn quốc để có thể chủ động điều chỉnh được mức điểm trúng tuyển giữa các phương thức, bảo đảm sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển và lựa chọn được những thí sinh có chất lượng tốt nhất vào học tập tại trường.

Về ý kiến cho rằng các trường không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức là nhận định không chính xác. Điểm sàn do các trường quy định nhằm hạn chế hồ sơ đăng ký không đáp ứng yêu cầu đầu vào; các trường xác định điểm trúng tuyển theo nguyên tắc xét từ điểm cao xuống thấp theo chỉ tiêu, chứ không thể ấn định “điểm chuẩn” trúng tuyển ngay từ đầu. 

Tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển

Trước thực tế xét tuyển với quá nhiều phương thức do các trường tự đặt ra khiến thí sinh gặp khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa. Các trường cần đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn, sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức dẫn đến không bảo đảm công bằng, gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Giải đáp câu hỏi có phải do hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung chưa được kiểm nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đánh giá tác động, chưa lường hết được vấn đề nên đã gây khó khăn cho thí sinh, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung năm 2022 không phải được xây mới hoàn toàn, mà được kế thừa từ hệ thống đã được triển khai thành công từ các năm trước. Năm 2021, thí sinh đã đăng ký xét tuyển trực tuyến và 100% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến. Năm 2022, hệ thống chỉ nâng cấp để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tất cả các nguyện vọng và nộp lệ phí.

Nhìn lại sự vận hành của hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung năm 2022, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định: "Cho đến thời điểm này, hệ thống không có bất kỳ lỗi nào gây thiệt thòi cho thí sinh. Hiện nay, hệ thống tiếp tục hỗ trợ thí sinh xác nhận nhập học và xét tuyển bổ sung. Tất cả những vướng mắc, không thuận lợi trong quá trình triển khai đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, phân tích để hoàn thiện quy trình tuyển sinh cho năm 2023 và các năm tiếp theo".

Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022, có thể khẳng định, áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống, có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến có khả năng bắt lỗi người sử dụng, dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh đại học năm 2022: Giảm thí sinh ảo, tăng tính minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.