Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021: Tăng thuận lợi, giảm áp lực

Thống Nhất| 31/03/2021 06:11

(HNM) - Cơ bản giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2021; điều chỉnh một số quy định nhằm tăng thuận lợi, giảm áp lực cho thí sinh... Chủ trương này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự đồng thuận của dư luận. Hiện ngành Giáo dục, các nhà trường đang tập trung hỗ trợ tối đa cho thí sinh và tăng cường các giải pháp ôn tập hiệu quả, giúp các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ tuyển sinh.

Ngành Giáo dục Hà Nội triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Thêm đổi mới, thêm thuận lợi

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố để lấy ý kiến góp ý, về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2021 vẫn ổn định, song có hai nội dung quan trọng dự kiến sẽ được điều chỉnh nhằm giúp các thí sinh thêm thuận lợi, tăng cơ hội trúng tuyển.

Nếu như năm 2020, các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng bằng cách khai phiếu, thì năm nay, Bộ dự kiến mở rộng hình thức đăng ký, thí sinh có thể đăng ký bằng phiếu hoặc đăng ký theo hình thức trực tuyến và thay vì chỉ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 1 lần như năm 2020, thí sinh có thể được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần. Ngoài ra, Bộ và các cơ sở đào tạo cũng thống nhất điều chỉnh mức thu lệ phí tuyển sinh so với năm 2020, mức giảm dự kiến từ 30.000 đồng xuống còn 25.000 đồng/nguyện vọng.

Theo bà Trần Mai Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm), mức giảm 5.000 đồng/nguyện vọng không nhiều, nhưng thể hiện sự hỗ trợ, chia sẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường với gia đình thí sinh, giảm chi phí và mối lo, nhất là với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Về phía các em học sinh, hầu hết đều vui mừng và phấn khởi khi đón nhận thông tin trên. Em Trần Minh Phúc, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) bày tỏ: “Vì nhiều lý do mà có thể kết quả làm bài thi không như mong muốn, dẫn đến nguy cơ khó trúng tuyển nguyện vọng đã đăng ký. Sau khi có kết quả thi, nếu có tới 3 lần điều chỉnh nguyện vọng, thì chúng em rất mừng và yên tâm bởi cơ hội trúng tuyển nhiều hơn”.

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc liệu các thí sinh có bị ảnh hưởng về quyền lợi khi đăng ký nguyện vọng bằng cách khác nhau, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, thí sinh được quyền lựa chọn hình thức đăng ký nguyện vọng bằng phiếu hoặc trực tuyến, không có sự khác biệt nào. Dù đăng ký nguyện vọng theo hình thức nào, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em vẫn được hưởng quyền lợi về số lần điều chỉnh nguyện vọng như nhau. 

Tư vấn tuyển sinh đại học cho các thí sinh tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, tháng 6-2020. Ảnh: Nguyễn Quang

Nỗ lực hỗ trợ thí sinh

Theo kết quả thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, hầu hết các cơ sở đào tạo đều dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nắm rõ định hướng này, các nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đang nỗ lực hỗ trợ thí sinh, giúp các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) thông tin, nhà trường đã chủ động triển khai kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 từ đầu năm học. Với 9 môn học tương ứng với các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngoài nội dung bài học theo chương trình, nhà trường tổ chức các chuyên đề nhằm bổ trợ kiến thức cho học sinh; đồng thời có biện pháp kiểm tra, đánh giá theo từng giai đoạn để kịp thời hỗ trợ. 

Gần 500 học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Mê Linh (huyện Mê Linh) cũng đang được hỗ trợ tối đa để ôn tập tốt. Ông Nguyễn Duy Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường giao giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn rà soát, phân loại đối tượng học sinh để có kế hoạch ôn tập phù hợp; có giải pháp riêng với học sinh có học lực chưa tốt ở từng môn học, với mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng đạt trên 90%.

Còn em Nguyễn Quỳnh Chi, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) chia sẻ: “Chúng em được rèn kỹ năng làm bài bằng hình thức trắc nghiệm khách quan thông qua các bài kiểm tra, hệ thống học và thi trực tuyến (http://study.hanoi.edu.vn) và đang chuẩn bị tham gia đợt khảo sát toàn khối 12 với hình thức, thời gian như một kỳ thi thật”.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, ngoài những yêu cầu chung để thực hiện kế hoạch năm học bảo đảm chất lượng, tiến độ, Sở yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12, giúp các em đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Dự kiến, tháng 5-2021, Sở sẽ tổ chức cho học sinh lớp 12 của toàn thành phố làm bài khảo sát các môn thi tương tự như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc này nhằm giúp các nhà trường nắm được mức độ đạt được của học sinh về kiến thức, kỹ năng làm bài thi, từ đó có những giải pháp hiệu quả hơn. Các nhà trường cần tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh để hỗ trợ tối đa cho việc học tập ở trường và ở nhà; quan tâm đến học sinh khó khăn; hướng dẫn học sinh biết cách tự học, sẵn sàng ứng phó, nếu dịch Covid-19 bất ngờ có diễn biến phức tạp”, ông Phạm Văn Đại lưu ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021: Tăng thuận lợi, giảm áp lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.